Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với lá diếp cá sấy khô

(VietQ.vn) - Cũng giống như nhiều loại dược liệu khác, khi chế biến, bảo quản lá diếp cá sấy khô nên đảm bảo yêu cầu theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 do Bộ Y tế đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ cỏ xước sấy khô
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ ba kích
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với lá Actiso sấy khô
TCVN 13732-2:2023 mô hình hoạt động và trao đổi thông tin trong hệ thống tự động hóa
Rau diếp cá tại Việt Nam được xem như là loại rau mọc hoang, thường dùng để ăn sống với vị hơi tanh như mùi cá. Rau có vị chua, tính mát. Do có mùi đặc trưng nên nếu người nào không quen mùi rất khó ăn nhưng với người ăn quen lại rất thích. Đây là loại cây có công dụng chữa bệnh rất tốt. Toàn cây diếp cá có chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu là aldehyd. Ngoài ra, diếp cá còn chứa acid caprinic, laurinaldehyd, benzamid, acid decanoic, lipid và vitamin K…Lá diếp cá có chứa β-sitosterol, alcaloid.
Rau diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Còn dùng trị sốt rét, sài giật ở trẻ em, đau răng...
Do có nhiều lợi ích cho sức khỏe nên hiện nhiều hãng dược phẩm cho ra mắt các sản phẩm như trà diếp cá, bột diếp cá, chế biến lá diếp cá sấy khô nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng. Tuy nhiên, đối với mỗi sản phẩm trước khi đưa ra thị trường nên đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn, nhất là đối với lá diếp cá sấy khô. Bởi nếu sấy khô không đảm bảo về nhiệt độ, độ thử nghiệm hay bảo quản dược liệu sẽ rất dễ nhiễm mốc, nhanh hư hỏng dẫn tới sử dụng không an toàn cho sức khỏe.

Lá diếp cá sấy khô rất tốt cho sức khỏe nhưng cần đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn hướng dẫn. (Ảnh minh họa)
Căn cứ Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu-yêu cầu đối với lá cây diếp cá sấy khô do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, bộ phận lá diếp cá phải ở trên mặt đất, được dùng tươi hoặc đã phơi hay sấy khô của cây diếp cá (Houttuynia cordata Thunb), họ Lá giấy (Saururaceae). Lá diếp cá có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa hạ hay mùa Thu, khi cây bắt đầu ra hoa quả. Lúc trời khô ráo, cắt lấy phần trên mặt đất, loại bỏ gốc rễ, tạp chất, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.
Đối với dược liệu tươi thân thảo, hình trụ tròn hay hơi có khía, dài 20 - 40cm, đường kính 2-3mm. Màu lục hoặc hơi tím đỏ, có mấu rõ ở nơi mọc của lá, các mấu ở gốc thân còn rễ nhỏ. Chất giòn, dễ gãy. Lá đơn, mọc so le, phiến lá nguyên hình tim, đầu lá nhọn, màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới, cuống đính ở gốc lá dài khoảng 2 - 3cm, gốc cuống rộng thành bẹ mỏng. Gân lá hình chân vịt với 5-7 gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Lá kèm dạng tam giác, dài khoảng 1,3cm, dính vào cuống lá, có những sọc dọc màu đỏ tía. Cụm hoa là một bông dài 1 - 3cm, mọc ở ngọn thân, có bốn lá bắc màu trắng dạng cánh hoa, cuống dài 3cm. Toàn cây có mùi tanh nhẹ của cá. Vị hơi chua, hơi cay, chát và se.
Dược liệu khô có thân hình trụ dẹt, cong, dài 20 - 40cm, đường kính 2-3mm. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có vân dọc nhỏ và có mấu rõ. Các mấu ở gốc thân còn vết tích của rễ. Chất giòn, dễ gãy. Lá mọc so le, hình tim, đầu lá nhọn, phiến lá bị gấp cuộn lại, nhàu nát, cuống đính ở gốc lá dài khoảng 2-3cm, gốc cuống rộng thành bẹ mỏng. Mặt trên lá màu vàng sẫm đến nâu sẫm, mặt dưới màu lục xám đến nâu xám. Cụm hoa là một bông dài 1 - 3cm, ở ngọn thân, màu nâu vàng nhạt, cuống dài 3cm. Mùi tanh cá, vị hơi chát, se.
Về vi phẫu biểu bì trên và dưới của lá gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, mang lông tiết đầu đơn bào, chân đa bào và lông che chở đa bào có xen lẫn tế bào tiết màu vàng ở mặt trên gân lá. Ở mặt dưới phiến lá có lỗ khí. Hạ bì trên từ phiến lá chạy qua gân giữa gồm một lớp tế bào to, thành mỏng. Hạ bì dưới tế bào bé hơn, bị ngăn cách bởi một số tế bào mô mềm ở giữa gân lá. Mô mềm phiến lá có những khuyết nhỏ và bó libe gỗ nhỏ. Gân giữa lá có bó libe-gỗ ở giữa với bó gỗ ở trên, bó libe ở dưới; mô mềm có tế bào thành mỏng và ít khuyết nhỏ.
Bột đối với dược liệu khô yêu cầu có màu lục vàng, vị hơi mặn, hơi cay, mùi hơi tanh. Quan sát trên kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì trên và biểu bì dưới của phiến lá tế bào hình nhiều cạnh, thành hơi dày, mang tế bào tiết. Biểu bì dưới mang lỗ khí, tế bào tiết tròn chứa tinh dầu màu vàng nhạt hay vàng nâu, bề mặt có vân, xung quanh có 5 tế bào đến 6 tế bào xếp tỏa ra. Mảnh lỗ khí có 4 - 5 tế bào kèm nhỏ hơn. Lông che chở đa bào và tế bào tiết. Hạt tinh bột hình trứng, hình tròn hay hình chuông, dài 40 μm, rộng chừng 36 μm. Mảnh thân tế bào hình chữ nhật thành mỏng và tế bào tiết. Mảnh mạch xoắn.
Khi thử nghiệm nên sử dụng phương pháp sắc ký lớp mỏng và dùng dung môi khai triển Ethyl acetat - aceton - acid formic. Độ ẩm không quá 12,0% đối với dược liệu khô. Thân rễ và tạp chất khác không quá 2%. Dược liệu tươi không vàng úa, thối nát. Tỷ lệ vụn nát qua rây có kích thước mắt rây 3,15mm không quá 5,0% đối với dược liệu khô. Tro toàn phần không quá 14,0% đối với dược liệu khô. Tro không tan trong acid không quá 2,5% đối với dược liệu khô. Chất chiết được trong dược liệu không ít hơn 6,0% tính theo dược liệu khô kiệt.
Khi chế biến dược liệu nên cắt đoạn nên loại bỏ tạp chất, hoặc cắt đoạn, phơi hoặc sấy khô. Bảo quản ở nơi khô mát. Đảm bảo dược liệu có tính vị chua, hơi cay, mùi tanh, tính ôn.
ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN SỬA ĐỔI 1:2024 TCVN I-4:2017 VUI LÒNG LIÊN HỆ: Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268 Email: ismq@tcvn.gov.vn |
An Dương