Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ mộc hương dược liệu

author 05:15 05/12/2024

(VietQ.vn) - Cây mộc hương là một loại dược liệu phổ biến được nhiều người sử dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau nhưng để đảm bảo chất lượng nên chế biến và bảo quản theo Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017.

Cây mộc hương là một loài thực vật có hoa trong họ Cúc (họ Asteraceae) được dùng làm vị thuốc trong Đông y. Bộ phận cây mộc hương làm thuốc trong y học cổ truyền là rễ cây, vị thuốc cũng gọi là mộc hương.

Rễ cây mộc hương được thu hoạch vào mùa Đông, đào lên rửa sạch đất, bỏ phần rễ tơ, cắt thành những khúc ngắn, phơi khô, bỏ vỏ ngoài là được. Rễ cây mộc hương làm thuốc khi bảo quản dễ mốc mọt. Cần giữ thuốc ở nơi khô ráo, kín, kỵ nóng. Không nên phơi nhiều để tránh làm mất mùi thơm.

Rễ cây mộc hương chứa nhiều hoạt chất có tác dụng giảm sưng và tấy đỏ bên trong. Một số thành phần được tìm thấy trong rễ mộc hương có thể giúp giảm bớt phần nào các triệu chứng viêm khớp.

Theo một nghiên cứu sử dụng cây mộc hương cho người bệnh bị viêm dạ dày mạn tính bằng đường uống cho thấy rằng nước sắc cây mộc hương có tác dụng rút ngắn thời gian làm trống dạ dày, thay đổi sản lượng axit dạ dày, gastrin huyết thanh và nồng độ somatostatin trong huyết tương - các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tiến triển bệnh lý viêm dạ dày.

Mộc hương có tính ấm, vị cay, đắng có tác dụng hành khí chỉ thống, bình can giảm áp, kiện tỳ tiêu tích; nói chung tác dụng của cây mộc hương là làm tan ứ trệ, điều hòa tỳ vị, trừ phong tà, tả khí hỏa, phát hãn, giải biểu, hành khí giảm đau, kiện tỳ chỉ tả. Ngoài ra, mộc hương nướng còn có tác dụng hòa hoãn hành khí, giúp sức cho đại tràng, cầm tả lỵ. Mộc hương cũng thường dùng điều trị mọi chứng đau, trúng khí độc ngất xỉu, tiểu tiện bế tắc không thông, đầy bụng, đau bụng, khó tiêu, nôn mửa, tiết tả đi lỵ.

Sử dụng rễ cây mộc hương làm dược liệu cần đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Cũng giống như nhiều dược liệu khác khi sử dụng và chế biến rễ cây mộc hương làm dược liệu chữa bệnh cũng nên đảm bảo theo các yêu cầu tại Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu- yêu cầu đối với rễ cây mộc hương sấy khô do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Theo đó, rễ đã phơi hay sấy khô của cây mộc hương, còn gọi là vân mộc hương, quảng mộc hương hay xuyên mộc hương họ cúc. Khi sử dụng làm dược liệu nên đào lấy rễ củ, rửa sạch, bỏ rễ con rồi cắt thành khúc dài 5 cm đến 14 cm, phơi trong bóng râm đến khô (không sấy vì dễ mất tinh dầu).

Dược liệu cắt khúc rễ có hình trụ tròn hoặc hình chùy, dài 4 cm đến 14 cm, đường kính 0,5cm đến 3cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt. Có các vết nhăn ngang và rãnh dọc khá rõ, đôi khi có vết tích của rễ con. Thể chất hơi cứng, khó bẻ; vết bẻ không phẳng, màu vàng nâu hoặc nâu xám. Mùi thơm hắc đặc trưng. Rễ củ mộc hương có màu thâm đen, nhiều tinh dầu, thơm, là loại tốt nhất. Loại có màu trắng, xốp, ít mùi thơm không nên dùng.

Lớp bần gồm vài lớp tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ ngoài mỏng gồm các tế bào phần nhiều hình đa giác, thành mỏng. Dải libe cấp 2 rời nhau, ngoằn ngoèo, xếp thành dãy xuyên tâm. Trong và ngoài các dải libe rải rác có các túi tiết tinh dầu. Tầng sinh libe-gỗ gồm một vòng tế bào. Gỗ cấp 2 xếp thành dãy xuyên tâm, hợp thành từng dải ứng với mỗi dải libe. Tia ruột gồm 6 đến 10 hàng tế bào thành mỏng.

Bột có màu vàng nâu, vị cay hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần màu nâu vàng. Mảnh mô mềm chứa những hạt inulin màu hơi vàng. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn và mạch mạng. Sợi hợp thành từng bó hoặc đứng riêng lẻ, túi tiết tinh dầu hình tròn, chứa chất tiết màu vàng. Ngoài ra có nhiều hạt inulin hình khối, hình chuông, màu hơi vàng, có vân mờ, kích thước khác nhau.

Lưu ý khi thử nghiệm cần sử dụng phương pháp sắc khí lỏng ở độ ẩm không quá 15,0%. Tạp chất không quá 1,0%, tro toàn phần không quá 4,5%. Chất chiết được trong dược liệu nên tiến hành theo phương pháp chiết lạnh không được ít hơn 15,0 % tính theo dược liệu khô kiệt, dùng ethanol 70 % (TT) làm dung môi. Không được ít hơn 20,0% tính theo dược liệu khô kiệt, dùng nước làm dung môi.

Về định lượng, nên kiểm tra tính phù hợp của hệ thống bằng cách trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn, độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic costunolid thu được từ 5 lần tiêm lặp lại không lớn hơn 1,5%. Dược liệu phải chứa không ít hơn 0,6% costunolid (C15H20O2), tính theo dược liệu khô kiệt.

Việc chế biến mộc hương phiến nên lấy mộc hương đã cắt khúc, rửa sạch, thái lát mỏng, phơi trong bóng râm cho khô, mộc hương nhiều tinh dầu thì không khô hẳn như các vị thuốc khác mà khi cầm miếng mộc hương lên vẫn thấy mềm vì có tinh dầu, sau khi chế biến vẫn giữ màu thâm đen, có mùi thơm đặc trưng. Các lát mỏng thuôn dài, hình dạng không đều, màu thấm đen, có mùi thơm đặc trưng, cầm lên tay thấy mềm (không khô cứng vì có tính dầu).

Để đảm bảo dược liệu thái lát cần phải được bảo quản trong đồ đựng kín, nơi khô, mát, tránh mốc, mọt và mất tinh dầu. Dược liệu đã thái lát chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày sau khi thái. Dược liệu đảm bảo phải có vị đắng hơi cay, tính ôn. Vào kinh tâm tiêu gồm tỳ, vị, đại tràng, can, thận, bàng quang.

ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN SỬA ĐỔI 1:2024 TCVN I-4:2017 VỀ RỄ CÂY MỘC HƯƠNG

VUI LÒNG LIÊN HỆ:

Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268

Email: ismq@tcvn.gov.vn

 An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang