Campuchia bác bỏ thông tin nội bộ ASEAN chia rẽ vì Biển Đông

author 19:06 26/04/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Campuchia bác bỏ việc nội bộ ASEAN chia rẽ vì Biển Đông và khẳng định không có thoả thuận nào với Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Lao Động, Chính phủ Campuchia ngày 25/4 đã tìm cách bác bỏ thông tin về sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN liên quan đến tranh chấp Biển Đông và khẳng định không có thoả thuận nào với Trung Quốc về vấn đề này. Tuyên bố này được Phnom Penh đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/4 tuyên bố đã đạt được thoả thuận với Campuchia, Lào và Brunei rằng, tranh chấp giữa Bắc Kinh với các nước về chủ quyền Biển Đông cần được giải quyết song phương, thay vì đa phương.

Campuchia khẳng định không có bản thỏa thuận nào về tình hình Biển Đông giữa nước này và Trung Quốc vào cuối tuần quaCampuchia khẳng định không có bản thỏa thuận nào về tình hình Biển Đông giữa nước này và Trung Quốc vào cuối tuần qua. Ảnh AFP

Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan, khẳng định không có thoả thuận nào đạt được vào cuối tuần qua. "Không có cuộc thảo luận cũng như thoả thuận nào được ký kết, chỉ có chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc mà thôi" - ông Siphan tuyên bố, đề cập đến chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Phnom Penh hôm 22/4.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia Cheng Hongbo cũng từ chối bình luận thông tin trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV và Tân Hoa xã, trong đó nói rằng "một sự đồng thuận quan trọng" đã đạt được trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Campuchia, Lào và Brunei.

Theo đó các điểm đồng thuận được Tân Hoa Xã và CCTV tường thuật bao gồm: Tranh chấp phải được giải quyết giữa các nước cá nhân, chứ không phải giữa Trung Quốc và ASEAN; các nước phản đối bất kỳ nỗ lực để đơn phương áp đặt một chương trình nghị sự cho các nước khác. Theo Tân Hoa Xã và CCTV, 4 quốc gia cũng đồng ý rằng các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải cần phải được giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán của các bên liên quan trực tiếp theo Điều 4 của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Các nước này cũng tin rằng Trung Quốc và ASEAN có thể cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác. Và các nước cũng nhất trí rằng các nước bên ngoài khu vực nên đóng một vai trò xây dựng trong vấn đề này, Tân Hoa Xã và CCTV đưa tin.

Cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho rằng nếu bản thỏa thuận về tình hình Biển Đông là thật thì Campuchia và Lào đã ‘qua mặt’ ASEAN

Cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho rằng nếu bản thỏa thuận về tình hình Biển Đông là thật thì Campuchia và Lào đã ‘qua mặt’ ASEAN. Ảnh AFP

Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho rằng nếu bản thỏa thuận trên là thật thì Trung Quốc đã sử dụng thủ thuật "chia để trị" trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới ba nước Brunei, Campuchia và Lào, mà Trung Quốc nói là đạt được 'đồng thuận mới' về vấn đề Biển Đông.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, Việt Nam và Philippines, cũng như các quốc gia trong khối Đông Nam Á, cần phải có động thái phối hợp lập trường và hành động để ứng phó lại chiêu thức "chia để trị" nói trên của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, Trung Quốc được cho là sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough tranh chấp với Manila ở Biển Đông trong năm nay để đối phó sự thắt chặt liên minh giữa Mỹ - Philippines. Cụ thể tờ South China Morning Post hôm 25/4 dẫn một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, cùng với việc khởi công bồi đắp tại bãi Scarborough, Bắc Kinh cũng sẽ xây dựng một đường băng mới tại đây nhằm mở rộng tầm hoạt động của không quân đến vùng biển tranh chấp.

Cũng theo nguồn tin trên, mục đích của Trung Quốc là thiết lập một tiền đồn mới cách bờ biển Philippines chỉ khoảng 230 km, trong bối cảnh Mỹ và Philippines đẩy mạnh hợp tác quân sự. Mỹ và Philippines đã bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông từ tháng 3. Sắp tới, lực lượng Mỹ sẽ được tiếp cận ít nhất 8 cơ sở quân sự ở Philippines, bao gồm 2 căn cứ không quân ở Pampanga, cách Scarborough khoảng 330 km.

Cùng thời gian này, xuất hiện thông tin cho rằng Trung Quốc sắp biến Scarborough thành tiền đồn mới trên Biển Đông

Cùng thời gian này, xuất hiện thông tin cho rằng Trung Quốc sắp biến Scarborough thành tiền đồn mới trên Biển Đông. Ảnh Reuters

Giới quan sát quốc tế bình luận, với tiền đồn mới ở Scarborough, Trung Quốc sẽ dấn thêm một bước trong tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà”. “Nếu hoàn tất cải tạo tại Scarborough, Trung Quốc có thể lắp đặt radar và các cơ sở khác nhằm giám sát căn cứ không quân Basa của Mỹ ở Pampanga 24/24 giờ”, tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau nhận định.

Giáo sư Kim Vĩnh Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược đại dương thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, cho rằng một đường băng ở Scarborough sẽ tạo điều kiện cho không quân Trung Quốc mở rộng tầm với tại Biển Đông thêm ít nhất 1.000 km cũng như vươn tầm giám sát đến sát khu vực đảo Luzon của Philippines, vốn được xem là cửa ngõ ra vào Thái Bình Dương.

Nguồn tin trên nhấn mạnh Bắc Kinh chủ động cải tạo Scarborough do Washington “đang cố gắng kìm hãm Bắc Kinh bằng cách thiết lập sự hiện diện lâu dài trong khu vực”. Việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh đẩy nhanh kế hoạch nói trên.

Về vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng bà không biết về thông tin được đăng trên tờ South China Morning Post, nhưng khẳng định bãi Scarborough trên Biển Đông là “lãnh thổ cố hữu” của Trung Quốc và nước này sẽ “vận dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp”.

>> Bị sét đánh trúng khi đi làm đồng, hai bố con bỗng sinh ly tử biệt

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang