Pháp tuyên bố sẽ sớm đưa khu trục hạm tối tân tới tuần tra ở Biển Đông

author 18:14 26/07/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Pháp dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, sớm nhất là trong năm nay.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay báo Dân Trí trích từ nguồn China Topix (Mỹ), Pháp đang bày tỏ mong muốn dẫn đầu các cuộc tuần tra hàng hải của các tàu hải quân thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại Biển Đông. Mục đích của các cuộc tuần tra này là nhằm đảm bảo tự do hàng hải, vốn đang bị đe dọa từ sau khi Trung Quốc tuyên bố phủ nhận và không thực thi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện ‘đường chín đoạn’ giữa Philippines và Trung ở Biển Đông.

Pháp đặc biệt quan tâm tới tình hình Biển Đông hiện nay và dự kiện sẽ sớm triển khai tuần tra hàng hải

Pháp đặc biệt quan tâm tới tình hình Biển Đông hiện nay và dự kiện sẽ sớm triển khai tuần tra hàng hải

Cụ thể, Pháp sẽ hối thúc tất cả quốc gia thành viên EU cùng hợp tác trong các cuộc tuần tra hải quân nhằm đảm bảo sự hiện diện thường trực ở Biển Đông. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nỗ lực của các nước trên thế giới nhằm đáp trả việc Trung Quốc ngang nhiên ỷ thế sức mạnh quân sự để theo đuổi tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông.

Dẫn đầu trong các cuộc tuần tra của Hải quân Pháp ở Biển Đông là các tàu chiến, tàu khu trục và nhiều tàu chủ lực trong hạm đội hải quân của nước này. Trong đó, các tàu khu trục lớp La Fayette dự kiến sẽ đóng vai trò tiên phong trong các cuộc tuần tra. Hải quân Pháp hiện có 26 tàu hộ tống được trang bị các loại vũ khí đối đất, đối không và chống tàu ngầm.

Cũng theo China Topix, Chính phủ Pháp nhận định rằng việc đảm bảo tự do hàng hải mang ý nghĩa quan trọng đối với Paris xét trên phương diện kinh tế. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã phát biểu trong một diễn đàn quốc phòng toàn cầu gần đây, với sự tham gia của các quan chức cấp cao Trung Quốc, rằng Paris lo ngại việc mất tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ dẫn đến những hệ quả tương tự ở Bắc Cực và Địa Trung Hải.

“Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xảy ra xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và bảo vệ bằng chính khả năng của chúng ta. Đây là thông điệp mà Pháp sẽ tiếp tục gửi đi tại các diễn đàn quốc tế. Thông điệp nói rằng Pháp sẽ tiếp tục hành động, điều tàu hải quân và máy bay hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và bất kỳ nơi nào cần đến những hoạt động như vậy”, Bộ trưởng Le Drian nhấn mạnh.

Cũng theo ông Drian, Hải quân Pháp đã từng triển khai lực lượng đến Biển Đông ba lần. Đồng thời, Đại sứ Pháp tại Philippines Thierry Mathou cho biết Pháp có thể đóng vai trò trung gian trong việc xoa dịu căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông, đặc biệt sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.

Trung Quốc luôn kịch liệt phản đối các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ, Pháp và các nước ngoài khu vực

Trung Quốc luôn kịch liệt phản đối các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ, Pháp và các nước ngoài khu vực

Ngoài Pháp, Mỹ cũng là một trong những nước đi đầu trong các hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng từng lên tiếng ủng hộ các hoạt động tuần tra tại vùng biển này. Tuy nhiên, những động thái này của các nước đều vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào, các bộ trưởng ngoại giao của khối hôm qua 25/7 đã công bố Tuyên bố chung AMM-49, trong đó bày tỏ hết sức quan ngại về những diễn biến gần đây cũng như hiện nay tại Biển Đông.

Tuyên bố chung nói trên được công bố sau khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tổ chức một phiên họp đột xuất vào sáng 25/7, theo sau 3 phiên họp trong ngày hôm trước. Mặc dù không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng tuyên bố ghi nhận những quan ngại của một số bộ trưởng về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, điều đang gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua khu vực trên Biển Đông. Tuyên bố cũng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm việc thay đổi hiện trạng mà có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông.

Hôm 25/7, ASEAN đã ra tuyên bố chung thể hiện sự quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay

Hôm 25/7, ASEAN đã ra tuyên bố chung thể hiện sự quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay

Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong khi nhấn mạnh việc thúc giục các bên làm việc hiệu quả và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bao gồm cả việc tăng cường các cuộc gặp thường xuyên của các quan chức ASEAN và Trung Quốc và cuộc gặp của Nhóm làm việc chung về việc thực hiện DOC.

Tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc diễn ra sau đó, các bộ trưởng cũng đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, trong đó tái khẳng định các nguyên tắc của DOC, nhấn mạnh cần sớm đạt được COC nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực.

Cụ thể, các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được minh thị bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ quát trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS. Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những thực thể hiện không có người sinh sống.

Toàn văn phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Xuân Phúc giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Vân Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang