Trung Quốc tố Nhật âm mưu thổi bùng ‘ngọn lửa’ căng thẳng Biển Đông

author 19:56 30/06/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông hiện nay được cho là là một trong số vài vấn đề có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất báo Người Lao Động trích từ nguồn Strait Times, một báo cáo dài 21 trang của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) mang tên “Biển Hoa Đông – Ngăn ngừa xung đột từ những khủng hoảng tiềm tàng” được công bố hôm 30/6 nhận định rằng, tình hình Biển Đông hiện nay là một trong số vài vấn đề có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ chính trị Nhật Bản – Trung Quốc.

ICG nhận định tình hình Biển Đông là một trong những vấn đề có thể làm phức tạp thêm quan hệ Nhật – Trung

ICG nhận định tình hình Biển Đông là một trong những vấn đề có thể làm phức tạp thêm quan hệ Nhật – Trung. Ảnh minh hoạ

Theo ICG, Tokyo không liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông nhưng có tiếng nói phản đối mạnh mẽ những hành động đơn phương khiêu khích của Trung Quốc tại vùng biển này. ICG lập luận Nhật Bản có lợi ích chiến lược, kinh tế và chính trị quan trọng trong khu vực. Chính quyền Tokyo cũng hợp tác với Washington và các nước Đông Nam Á như một phần của chiến lược “phản ứng tập thể” nhằm đối phó với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

“Nhật Bản so sánh hành động thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc với vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông, đang chịu sự kiểm soát của Tokyo nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền)” - ICG lưu ý. “Bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp trong việc giải quyết các vấn đề song phương và khu vực, Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đe dọa các chuẩn mực quốc tế bằng một loạt hành động (khiêu khích) ở Biển Đông”.

Trong khi đó, Tokyo cũng gia tăng viện trợ cho Việt Nam và Philippines, đồng thời hỗ trợ những nỗ lực của Mỹ nhằm thực thi quyền tự do đi lại ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama gần đây tuyên bố nước này đang theo dõi chặt chẽ vụ Philippines kiện yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague – Hà Lan. Tòa này vừa thông báo sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 7 tới.

Ngoài ra,Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn tìm cách sửa đổi Điều 9 của hiến pháp. “Ông Abe tính toán rằng những lo lắng về một Trung Quốc ngày càng quyết đoán sẽ thúc đẩy lập luận của mình về việc nới lỏng các hạn chế quân sự” – ICG tiết lộ.

Bất chấp Trung Quốc không ít lần cảnh báo Nhật Bản không nên “phản ứng thái quá” đối với các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, ICG cho rằng Tokyo không cho thấy dấu hiệu muốn ngừng lại.

Được biết vào hồi đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Nhật Bản không “thổi phồng” tình Biển Đông. “Một số người Nhật Bản đã thổi bùng ngọn lửa căng thẳng, cố tình châm ngòi cho sự đối đầu giữa các nước trong khu vực” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cáo buộc.

Trung Quốc cải tạo đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc cải tạo đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh CSIS

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, Trưởng đoàn luật sư Philippines tin Manila sẽ giành lẽ phải trong vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông và Bắc Kinh sẽ là kẻ ngoài vòng pháp luật nếu bác phán quyết từ tòa.

Cụ thể, trả lời phỏng vấn Reuters, luật sư Paul Reichler, trưởng đoàn luật sư Philippines trong vụ kiện tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tin rằng tòa án sẽ ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Manila.

Ông Reicher cho hay, ông không được biết thông tin về phán quyết và cũng không mong đợi được thông báo về điều đó cho phút cuối cùng. Nhưng ông tin rằng Manila sẽ giành chiến thắng trong cuộc tranh luận pháp lý, phù hợp với sự đồng thuận ở Washington và hầu hết các nước lớn khác.

“Chúng tôi tự tin sẽ giành được thành công trong vụ kiện này”, vị luật sư khẳng định chỉ vài giờ sau khi PCA công bố sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7. Được biết, Paul Reichler là một luật sư quốc tế có uy tín, đại diện cho các nước nhỏ chống lại những siêu cường. Năm 1980, ông đại diện cho Nicaragua trong vụ kiện Mỹ tài trợ phiến quân Contra chống lại chính phủ cánh tả.

Theo người đứng đầu nhóm luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện kéo dài 3,5 năm, phán quyết chống lại Bắc Kinh “sẽ tước đi mọi cơ sở (vô căn cứ) của Trung Quốc khi đưa ra tuyên bố như vậy”. Ông ám chỉ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông.

Manila cho rằng yêu sách của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và hạn chế quyền của Manila trong việc khai thác tài nguyên và khu vực đánh bắt cá thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Hôm 29/6, Trung Quốc ngang ngược nói cách tiếp cận của Manila là “coi thường luật pháp quốc tế” và Bắc Kinh sẽ “không chấp nhận phán quyết nào của bên thứ ba” về tranh chấp Biển Đông. Theo luật sư Reichler, Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA đồng nghĩa rằng nước này tự khẳng định họ "nằm ngoài vòng pháp luật”.

Giữa lúc căng trên Biển Đông, ông Reichler cho rằng “không một ai muốn hoặc thậm chí cần tới vũ lực” để giải quyết tranh chấp. Ông cũng dự đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực từ nhiều nước khác gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia. “Sẽ tới lúc Trung Quốc nhận ra rằng họ mất nhiều thứ hơn là được khi tạo ra tình trạng hỗn loạn vô luật pháp”, ông nói.

Luật sư Paul Reichler tự tin rằng Philippines đủ sức thắng Trung Quốc vụ kiện Biển Đông

Luật sư Paul Reichler tự tin rằng Philippines đủ sức thắng Trung Quốc vụ kiện Biển Đông. Ảnh Rappler

Trước đó vào ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn lên PCA, kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tòa Trọng tài sẽ phán quyết cách giải thích của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" có phù hợp hay không phù hợp UNCLOS. Manila tranh luận rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có hiệu lực vì nó vi phạm UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và hải phận.

Vụ kiện còn liên quan tới hàng chục mỏm đá, đảo san hô, bãi cát và đá ngầm, ví dụ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Theo giới quan sát, phán quyết của PCA nếu có lợi cho Philippines cũng đồng nghĩa với việc khiến Trung Quốc mất mặt trên trường quốc tế và có thể tạo cho Mỹ nhiều lý do để hỗ trợ đồng minh Philippines.

Việc Trung Quốc "phớt lờ" phán quyết của PCA cùng việc nước này quyết định leo thang căng thẳng trên Biển Đông sẽ chỉ dẫn tới sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ tại khu vực, theo chiến dịch thực thi “quyền tự do hàng hải”, giới quan sát quốc tế bình luận.

Ẩn số khối tài sản ‘khủng’ của nữ đại gia xây tòa tháp cao nhất Việt Nam(VietQ.vn) - Kinh qua vị trí lãnh đạo 2 ngân hàng, sở hữu hàng loạt dự án ‘khủng’ nhưng nữ đại gia Nguyễn Thị Nga vẫn là doanh nhân bí ẩn với nhiều người...

Thanh Huyền (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang