Mỹ ‘ép’ Hàn Quốc lên tiếng về tình hình Biển Đông

author 17:27 18/10/2015

(VietQ.vn) - Trong buổi hội đàm cấp cao mới đây tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ thúc giục Hàn Quốc lên tiếng về tình hình Biển Đông hiện nay cũng như cùng chỉ trích hoạt động gây hấn của Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo Thanh Niên, ngày 16/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có buổi hội đàm cấp cao tại thủ đô Washington (Mỹ). Bên cạnh các vấn đề hợp tác giữa 2 nước và mối quan tâm về Triều Tiên, lãnh đạo hai nước cũng bàn đến quan hệ của các đồng minh châu Á và cả tình hình Biển Đông hiện nay.

Trong buổi hội đàm mới đây, Tổng thống Mỹ đã thúc giục Hàn Quốc lên tiếng về tình hình Biển Đông hiện nay

Trong buổi hội đàm mới đây, Tổng thống Mỹ đã thúc giục Hàn Quốc lên tiếng về tình hình Biển Đông hiện nay

Cụ thể, trong cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo, ông chủ Nhà Trắng thúc giục người đứng đầu Nhà Xanh cần lên tiếng về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc ở khu vực châu Á cũng như tăng cường hợp tác với đồng minh của Mỹ là Nhật. Theo đó, Tổng thống Mỹ muốn nhìn thấy 2 đồng minh của mình ở châu Á hợp tác với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo không mấy mặn nồng do những bất đồng còn sót lại từ Thế chiến thứ 2 dù Washington đã nhiều lần hối thúc và khuyến khích.

Liên quan đến Trung Quốc, việc bà Park quyết định tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ 2 hồi tháng 9/2015 ở Bắc Kinh từng khiến Washington khó chịu. Tuy nhiên, điều làm ông Obama không hài lòng ở đồng minh Hàn Quốc chính là việc Seoul xích lại gần Bắc Kinh thay vì Tokyo, và chưa mạnh mẽ trong việc nêu quan điểm của mình đối với Trung Quốc trước những vấn đề mà ông Obama cho rằng làm tổn hại luật pháp quốc tế.

“Rõ ràng, khi những quyền hạn của Trung Quốc được cho phép ngay trong sân của nhà anh mà không bị trừng phạt, nhất là khi họ luôn bỏ qua luật lệ bất kỳ khi nào họ muốn, điều đó sẽ không tốt đối với anh bất kể nó liên quan đến vấn đề kinh tế hay an ninh”, ông Obama phát biểu.

Tuy nhiên, dường như Hàn Quốc đang chọn cách trung lập khi nói về tình hình Biển Đông để tránh làm phật lòng Trung Quốc

Tuy nhiên, dường như Hàn Quốc đang chọn cách trung lập khi nói về tình hình Biển Đông để tránh làm phật lòng Trung Quốc

Thêm vào đó, người đứng đầu chính phủ Mỹ hàm ý nhắc đến vấn đề tranh chấp và gây hấn của Trung Quốc với các nước ASEAN ở Biển Đông và với Nhật ở biển Hoa Đông. Hành vi gây hấn của Bắc Kinh đang làm các láng giềng châu Á lo lắng và luôn đề phòng.

Tuy nhiên, trước phát biểu của ông Obama, bà Park không có phản ứng nào trong buổi họp báo. Giới quan sát quốc tế nhận định, có vẻ Seoul đang chọn quan điểm trung lập đối với tranh chấp ở Biển Đông vì sợ làm phật lòng Bắc Kinh. Thay vào đó, người đứng đầu Nhà Xanh cho biết bà hoàn toàn đồng ý với ông Obama về việc Seoul sẽ tham gia vào hiệp định TPP.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo VnExpress, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nguyễn Phương Nga đã tham gia phiên thảo luận về đề mục "Pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế" do Ủy ban Pháp lý thuộc Đại Hội đồng LHQ khóa 70 tổ chức trong hai ngày 15 và 16/10.

Tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bà bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trong tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhất là các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Đại sứ Việt Nam Nguyễn Phương Nga nêu quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay tại Liên Hợp Quốc

Đại sứ Việt Nam Nguyễn Phương Nga nêu quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay tại Liên Hợp Quốc

Đồng thời, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trước tình hình này, đại biểu các quốc gia thành viên LHQ trong phiên thảo luận nhất trí nguyên tắc tôn trọng pháp quyền là yếu tố cơ bản thúc đẩy quan hệ hợp tác, bình đẳng giữa các quốc gia, đảm bảo và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế và thịnh vượng trên thế giới.

Đáp lại, bà Nga cho biết Việt Nam ủng hộ thực thi pháp luật ở cấp độ quốc gia và quốc tế phù hợp với Hiến chương LHQ, cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của LHQ, quốc gia thành viên và đối tác trong quốc tế nhằm đảm bảo và thúc đẩy thực thi pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Trịnh Thịnh (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang