Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Trung Quốc chế tạo thành công tàu thăm dò khai thác dầu khí trên biển Đông

author 07:23 15/11/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc đã chế tạo thành công 4 chiếc tàu giếng khoan dòng TIGER dùng cho việc thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, biển Hoa Đông và... cho thuê.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, Trung Quốc đã chế tạo thành công “tàu giếng khoan nước sâu” đầu tiên có bản quyền sở hữu trí tuệ toàn bộ, đồng thời ngày 8/11 chính thức đặt tên tàu là Hoa Bân OPUS TIGER1.

Tàu giếng khoan này do Tập đoàn Hoa Bân đầu tư, do công ty con của nó là Tập đoàn Hoa Bân OPUS OFFSHORE và Công ty TNHH tàu thủy nhà máy đóng tàu Thượng Hải (thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc) cùng với Công ty thiết bị giàn khoan Hồng Hoa hợp tác thiết kế chế tạo và hoạt động, đã khắc phục điểm yếu của Trung Quốc trong lĩnh vực giàn khoan nước sâu cao cấp.

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Trung Quốc chế tạo được tàu giếng khoan nước sâu đầu tiên

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Trung Quốc chế tạo được tàu giếng khoan nước sâu đầu tiên. Ảnh Giáo Dục

Trả lời phỏng vấn trên báo chí, Phó tổng giám đốc cao cấp Tập đoàn Hoa Bân, Lưu Thiếu Hoa cho biết: “Đây là một đột phá to lớn đối với ngành công trình biển của Trung Quốc. Chiếc tàu giếng khoan TIGER này bất kể về tỷ lệ giữa hiệu suất và giá, hiệu suất sử dụng, tiêu hao năng lượng hay độ tin cậy đều đã đạt trình độ tiên tiến thế giới, sử dụng cho thăm dò khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Đối với chi phí chế tạo mỗi tàu, Lưu Thiếu Hoa không tiện tiết lộ, nhưng nguồn tin trong ngành dự đoán khoảng 200 – 300 triệu USD.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH tàu thủy nhà máy đóng tàu Thượng Hải, Vương Dũng cho biết, tàu giếng khoan dòng TIGER có lượng giãn nước thiết kế là 46.000 tấn, có thể tiến hành hoạt động ở vùng biển nước sâu 1.700 m, độ sâu giếng khoan có thể đạt 12.000 m, trang bị máy chống phun tiên tiến nhất trên thế giới, các thiết bị như hệ thống kiểm soát giếng và dưới nước có thể dùng cho thi công giếng thăm dò và giếng sản xuất. Tàu này có năng lực tự chạy, có thể mang theo 150 thuyền viên.

Năm 2011, Tập đoàn Hoa Bân đã thu mua Tập đoàn OPUS OFFSHORE của Singapore, chủ yếu hoạt động ở 2 lĩnh vực nghiệp vụ lớn là khoan giếng nước sâu và phát điện OTEC. Tháng 9 cùng năm, OPUS OFFSHORE cùng nhà máy đóng tàu Thượng Hải đã ký kết hợp đồng dự án tàu giếng khoan, xác định chế tạo 2 tàu giếng khoan và quyền lựa chọn 2 tàu giếng khoan khác.

Ngoài chiếc tàu TIGER1 đã bàn giao, chiếc thứ hai hiện đang chế tạo, trong khi đó, OPUS OFFSHORE đã thực hiện quyền lựa chọn, sẽ tiếp tục chế tạo 2 tàu giếng khoan tương tự ở nhà máy đóng tàu Thượng Hải, thiết kế 3 chiếc còn lại giống với chiếc thứ nhất, dự kiến lần lượt bàn giao vào quý 2 năm 2015, quý 3 năm 2016 và quý 1 năm 2017.

Trung Quốc ngang ngược mời thầu dầu khí trong Biển Đông Việt Nam

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Trung Quốc ngang ngược mời thầu dầu khí trong Biển Đông Việt Nam. Ảnh Giáo Dục

Lưu Thiếu Hoa cho biết, hiện nay, công ty đang cùng với Công ty dầu khí Malaysia, Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đàm phán về dự án hợp tác tàu giếng khoan dòng TIGER, hiện còn chưa rõ việc này phải chăng là để đạt được hợp đồng cho thuê những tàu giếng khoan này hay không.

Theo Lưu Thiếu Hoa, Tập đoàn Hoa Bân sẽ tiếp tục chế tạo nhiều tàu giếng khoan và giàn khoan tiên tiến hơn, đồng thời triển khai hợp tác toàn diện với CNPC, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hải dương Trung Quốc (CNOOC), để “giành lấy thị trường này bằng các sản phẩm hữu ích nhất, chất lượng cao nhất, tỷ lệ sử dụng cao nhất, giá thành chế tạo thấp nhất, chi phí bảo trì thấp nhất, tiêu hao năng lượng thấp nhất”.

Cũng trong thời gian này, các lãnh đạo ASEAN đã cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và nhất trí sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).Trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, các nhà lãnh đạo khu vực bày tỏ sự quan ngại về tình hình Biển Đông cũng như nhấn mạnh các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhất trí phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên cơ sở đồng thuận. 

Bàn về điều này, trong thông cáo và đề nghị triển khai thêm các biện pháp “thu hoạch sớm” nhằm thúc đẩy và tăng cường lòng tin ở khu vực, Chủ tịch Cấp cao ASEAN 25 khẳng định khối nhất trí thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố DOC và sớm đạt được COC.

ASEAN nhất trí sớm đạt Quy tắc ứng xử Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: ASEAN nhất trí sớm đạt Quy tắc ứng xử Biển Đông. Ảnh Reuters

Trong khi đó, theo thông cáo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. 

ASEAN cam kết bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, kiềm chế và không được có các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình, hay mở rộng gia tăng căng thẳng trong khu vực. 

Đồng thời, ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết chung của các nước thành viên đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và lòng tin chung trong khu vực, nhấn mạnh sự cần thiết tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Minh Thùy (tổng hợp từ Giáo Dục, Vnexpress)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang