Đồng minh châu Á không sẵn lòng cùng Mỹ đối phó Trung Quốc ở Biển Đông?

author 06:31 11/11/2014

(VietQ.vn) - Tình hình biển Đông hiện nay cho thấy dường như có rất ít đồng minh châu Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia sẵn sàng cùng Mỹ đối phó với tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những tin tức gần đây trên báo chí cho thấy các đồng minh của Mỹ ở châu Á đang tỏ ra không mấy sẵn sàng hành động cùng Washington chống lại Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh có thể tự do khẳng định quyền lực của mình ở Biển Đông giàu tài nguyên. Rõ ràng là, mặc dù Mỹ vẫn đang thắt chặt quan hệ với một số đồng minh trong khu vực Đông Nam Á để chống lại hành động gây hấn của Trung Quốc trong việc theo đuổi yêu sách ở Biển Đông, nhưng các liên minh lâu năm khác của Mỹ lại trở nên suy yếu. 

Giới chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh ngày càng tăng, đến mức có thể làm suy yếu cả sự hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với họ. Hơn nữa, do bị đổ lỗi nhiều về sự thất bại trong cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ trong Quốc hội Mỹ vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama khó có thể tăng cường vị thế của mình trong mắt Bắc Kinh hoặc với các đồng minh trong khu vực tại hội nghị thượng đỉnh APEC. Thất bại này đã khiến ông Obama không còn nhiều sự cơ động về chính sách đối ngoại. 

Tình hình biển Đông ngày 11/11: Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhiều lần quan ngại về tranh chấp biển ĐôngTình hình biển Đông ngày 11/11: Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhiều lần quan ngại về tranh chấp biển Đông

Tình hình biển Đông ngày 11/11: Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhiều lần quan ngại về tranh chấp biển Đông. Ảnh minh họa

Cụ thể, Indonesia là một đồng minh lâu năm và mạnh mẽ của Mỹ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, quốc gia này đang báo hiệu sự thay đổi về chính sách đối ngoại sau cuộc bầu cử vừa qua, trong đó sẽ hướng trọng tâm chú ý vào chính sách trong nước. Về tình hình Biển Đông, tân Tổng thống Joko Widodo không có khả năng hành động mà không có một cuộc khủng hoảng, ông Greg Fealy - một chuyên gia về Indonesia tại Đại học Quốc gia Úc cho biết. Điều này khiến "Mỹ khó có thểm tìm thấy đòn bẩy hơn".

Tại Thái Lan, cuộc đảo chính quân sự cũng đã làm rung chuyển quan hệ với Mỹ. Sau đảo chính, Mỹ đã giảm tiếp xúc ngoại giao và thu hẹp hỗ trợ quân sự cho Bangkok. Còn Malaysia, Chủ tịch ASEAN kỳ tới, đang ở đỉnh cao phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Có thể nói, tất cả các quốc gia trong khu vực đều lo ngại về sự tăng trưởng nhanh chóng của Bắc Kinh, và hầu hết đều không muốn chống lại sự hiện diện của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, chỉ có một số ít quốc gia sẵn sàng sát cánh với Mỹ khi cần thiết, Giáo sư Russell Trood - một nhà nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Sydney nói.

Cũng trong thời gian này, hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất sẽ giải quyết những căng thẳng giữa 2 nước, đặc biệt là vấn đề biển đảo, thông qua đối thoại trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao APEC ngày 10/11, sau nhiều tháng căng thẳng vì tình hình biển Đông.

Tình hình biển Đông ngày 11/11: Việt - Trung ‘giải quyết mâu thuẫn biển Đông qua đối thoại’

Tình hình biển Đông ngày 11/11: Việt - Trung ‘giải quyết mâu thuẫn biển Đông qua đối thoại’. Ảnh Reuters

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, “Quan hệ Trung – Việt liên tục phát triển từ khi 2 nước thiết lập mối quan hệ ngoại giao, cho dù đã và đang gặp phải một số vướng mắc.” Đồng thời, ông Tập cũng cho rằng 2 nước xã hội chủ nghĩa cần “tôn trọng lẫn nhau và tập trung vào các lợi ích lâu dài”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bày tỏ mong muốn “giải quyết các vấn đề biển đảo thông qua đàm phán để không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 nước”. Ông cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tăng cường các cuộc gặp gỡ cấp cao, cũng như trao đổi phi chính phủ, nhằm củng cố mối quan hệ với Trung Quốc.

Tháng trước, lãnh đạo quốc phòng 2 nước đã có cuộc gặp tại Bắc Kinh, thống nhất việc “liên tục thắt chặt quân sự”. Thời gian qua, quan hệ Việt – Trung gặp nhiều vướng mắc vì những bất đồng về vấn đề biển đảo. Ngoài ra, Trung Quốc còn vấp phải sự phản đối từ phía Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan khi muốn một mình “ôm gọn” biển Đông.

Minh Thùy (tổng hợp từ Giáo Dục, Thanh Niên)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang