Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp
Bài 3: Giải bài toán ứng phó với hàng giả, hàng lậu
Bài 2: Đường đi của hàng giả từ biên giới tới các trang mạng với mức giá ‘nhảy múa’
Không để xảy ra điểm ‘nóng’ về buôn lậu, hàng giả
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Công Thương (Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương), Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, thời gian qua, các đơn vị thành viên đã thực hiện nhiều Chương trình kế hoạch công tác, tổ chức triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như: quần áo, giày dép, bánh kẹo, rượu bia, mỹ phẩm, thuốc lá...
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Bộ Công Thương báo cáo công tác 6 tháng tại Hội nghị. Ảnh: Tổng cục QLTT
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, đại dịch COVID-19 bùng phát, xuất hiện nhiều nơi sản xuất khẩu trang kém chất lượng, không có lớp lọc kháng khuẩn, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đáng chú ý, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh bán hàng trên mạng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.
Kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế từ ngày 01/01/2020 đến ngày 19/6/2020, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, xử lý trên 33 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 150 tỷ đồng, ước giá trị hàng tịch thu chưa bán trên 218 tỷ đồng. Trong đó, riêng về mặt hàng trang thiết bị y tế dùng để phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.088 cơ sở, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 4,72 tỷ đồng.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan điều tra 60 vụ; đã khởi tố hình sự 4 vụ; không khởi tố hình sự 13 vụ; đang tiếp tục điều tra 43 vụ, trong đó buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 22 vụ; Gian lận thương mại 8 vụ; Hàng giả 22 vụ; Vi phạm khác 8 vụ.
Cùng phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, việc phối hợp giữa Vụ với Tổng cục hiện nay và trước đây là rất nhịp nhàng, chặt chẽ. Với tư cách là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT là lực lượng nòng cốt trong Ban Chỉ đạo, vừa đóng góp vào dự thảo báo cáo, vừa sửa đổi luật vi phạm hành chính. Trong thời gian tới, Vụ sẽ nỗ lực hỗ trợ lực lượng QLTT hoàn thiện những chính sách, văn bản, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát xử lý của lực lượng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương kết luận Hội nghị. Ảnh: Tổng cục QLTT
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao sự phối hợp giữa các Cục, Vụ chức năng với lực lượng QLTT. Đặc biệt, sự phối hợp từ bên ngoài như Bộ Quốc Phòng, Công an, Petrolimex. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chú trọng triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ theo phân công.
Đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận xuất xứ, theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu một số mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ để lẩn tránh thuế, lẩn tránh kiểm soát chất lượng, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành... Đặc biệt là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Bảo Linh