Tổ chức nào chứng nhận VietGAP?

author 17:33 15/04/2013

(VietQ.vn) - Danh sách của các tổ chức chứng nhận VietGAP đã được Bộ Nông nghiệp chỉ định. Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là một trong những tổ chức chứng nhận đã được chỉ định.

Sự kiện: Chứng nhận Hợp chuẩn Hợp Quy

Ảnh minh họa

Hỏi: Xin hỏi Cơ quan và Tổ chức nào có thể công nhận tiêu chuẩn VietGAP cho rau an toàn? Quy trình thực hiện chứng nhận này ra sao?
Xin cảm ơn quý báo!

Huỳnh Minh Đức ([email protected])

Đáp: Trước hết, xin đính chính lại câu hỏi, chắc bạn đọc muốn hỏi về hoạt động chứng nhận sản phẩm rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP (vì hoạt động công nhận chỉ áp dụng cho tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định và phòng thử nghiệm chứ không dùng cho sản phẩm). Vì vậy, xin trả lời cho câu hỏi "Cơ quan / Tổ chức nào có thể chứng nhận VietGAP? Thủ tục thực hiện chứng nhận này ra sao?"

VietGAP là Quy phạm thực hành nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp trong 3 ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tổ chức chứng nhận có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 sẽ được Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi hoặc Tổng cục Thủy sản chỉ định trở thành tổ chức chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi hoặc thủy sản. 

Bạn có thể tra cứu danh sách của các tổ chức chứng nhận VietGAP đã được Bộ Nông nghiệp chỉ định trên trang tin điện tử của 3 cơ quan chỉ định nói trên thuộc Bộ nông nghiệp. Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là một trong những tổ chức chứng nhận đã được chỉ định.

Thủ tục chứng nhận VietGAP do các tổ chức chứng nhận được chỉ định tự ban hành trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của của thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 và tiêu chuẩn TCVN 7457: 2004. Nhìn chung, quá trình xây dựng áp dụng và chứng nhận sẽ trải qua 10 bước cơ bản sau:

1. Nhà sản xuất (tự làm hoặc thuê tư vấn):

- Đào tạo nhận thức chung về vai trò và tác dụng của việc xây dựng và áp dụng VietGAP;
- Nghiên cứu tiêu chuẩn, quy phạm liên quan và xây dựng cách thức nuôi/ trồng theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP cho nhóm sản phẩm muốn chứng nhận;
- Thực hiện việc nuôi/ trồng, ghi chép và lưu hồ sơ cần thiết theo yêu cầu của tiêu chuẩn và quy trình tự xây dựng;
- Đào tạo đánh giá viên nội bộ và tiến hành đánh giá nội bộ trước khi đăng ký chứng nhận.

2. Nhà sản xuất thực hiện Đăng ký chứng nhận theo mẫu gửi cho tổ chức chứng nhận (bằng email để có thông tin trước, bằng bưu điện để có dấu chính thức);

3. Tổ chức chứng nhận báo giá trên cơ sở diện tích nuôi /trồng, loại cây/ con, sản lượng, phương thức canh tác (nhà kính, luân canh…) và thương thảo với nhà sản xuất;

4. Hai bên ký kết hợp đồng tài chính và hợp đồng trách nhiệm

5. Hai bên thực hiện đánh giá chứng nhận vào thời điểm thu hoạch theo thời gian đã thỏa thuận;

6. Nhà sản xuât thực hiện hành động khắc phục nếu số điểm không phù hợp vượt quá yêu cầu cho phép (100% số điểm A và 90% số điểm B phải phù hợp);

7. Tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận VietGAP sau khi nhà sản xuất khắc phục xong các điểm không phù hợp (Giấy chứng nhận có hiệu lực 24 tháng);

8. Nhà sản xuất trả chi phí chứng nhận theo hợp đồng trước khi nhận Giấy chứng nhận;

9. Nhà sản xuất tiếp tục duy trì hoạt động nuôi trồng theo yêu cầu của tiêu chuẩn và thực hiện việc đánh giá giám sát định kỳ (tối thiểu 1 lần/năm)

10. Hai bên chuẩn bị cho việc đánh giá chứng nhận lại khoảng 1 tháng trước khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực.

Nguyễn Thị Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT
(Mọi thông tin về lĩnh vực Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng độc giả quan tâm, xin gửi câu hỏi về địa chỉ email: [email protected])

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang