Trực tuyến: Đổi mới xây dựng tiêu chuẩn, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế

author 07:14 14/10/2019

(VietQ.vn) - Nhân ngày Tiêu chuẩn thế giới (14/10), tọa đàm "Đổi mới hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế" sẽ được tổ chức lúc 9h30 và trực tuyến tại Chất lượng Việt Nam online.

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

Có thể khẳng định, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý, các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và sự tham gia tích cực vào công tác tiêu chuẩn hóa của các doanh nghiệp, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời tiến độ, lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam hiện đã có một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ, hài hòa với chuẩn mực quốc tế, khu vực cho tất cả các lĩnh vực, làm cơ sở hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, thúc đẩy sự phát triển bền vững KT-XH của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Việc chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế đã tăng cường uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ngay trên sân nhà, tạo điều kiện bước vào thị trường thế giới dễ dàng hơn.

Để có được những kết quả này, một lần nữa nhấn mạnh về vai trò quan trọng của những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam góp phần đưa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế toàn cầu.

Nhân ngày Tiêu chuẩn thế giới (14/10) năm nay, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Đổi mới hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế” để cùng thảo luận về hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn giúp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Khách mời tham gia chương trình, gồm có:

+ Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN)

+ Ông Lương Văn Phan – Trưởng ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia

+ Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện - THIBIDI Đồng Nai

+ Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng giám đốc Công ty CP quốc tế Sơn Hà

MC Doãn Trung dẫn chương trình

Phần 1: Vai trò của tiêu chuẩn đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế 

MC: Câu hỏi đầu tiên xin hởi bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, bà đánh giá tổng quan về hệ thổng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là trong những năm gần đây hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn có điểm gì nổi bật?

Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) có vai trò quan trọng trên cả phương diện vĩ mô và vi mô.

Đối với phương diện vĩ mô, hệ thống tiêu chuẩn, QCVN giúp cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thị trường trong nước, nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, QCVN giúp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới việc các tiêu chuẩn, QCVN hài hòa với quốc tế cũng như khu vực.

Đối với phương diện vi mô, hệ thống tiêu chuẩn và QCVN giúp cho các tập thể trong xã hội điều tiết hoạt động của mình, cụ thể đối với nhà nước sẽ giúp cho việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Đối với khách hàng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp cho khách hàng lựa chọn được những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất với giá cả cạnh tranh, đồng thời giúp bảo vệ được khách hàng khi quyền lợi của họ bị xâm phạm khi mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Còn đối với doanh nghiệp, hệ thống tiêu chuẩn, QCVN giúp cho doanh nghiệp trong các vấn đề nội tại, ví dụ như giúp giảm thiểu tỉ lệ hàng hóa phi tiêu chuẩn, giảm thiểu tỉ lệ nghiên cứu về những sản phẩm hàng hóa mới. Đồng thời, nâng cao sự phối hợp với các nhà cung ứng, đối với khách hàng giúp nâng cao thiện cảm, tín nhiệm với sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp.

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành có khoảng hơn 11.000 tiêu chuẩn, với khoảng hơn 60% hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế, do 13 bộ quản lý chuyên ngành, xây dựng, cộng với hệ thống QCVN có khoảng gần 800 quy chuẩn, góp phần tích cực giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý về kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập sâu với quốc tế hiện nay, tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp cho các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài.

MC: Còn theo ông Lương Văn Phan, ông đánh giá như thế nào về vai trò của các tiêu chuẩn, quy chuẩn này đối với các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay?

 Ông Lương Văn Phan trao đổi về khái niệm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Chúng ta cần tách bạch giữa tiêu chuẩn kỹ thuật với QCVN vì đây là hai công cụ khác nhau. Tiêu chuẩn là công cụ để thiết kế, để lựa chọn thử nghiệm, nghiệm thu hàng hóa, nhờ tiêu chuẩn doanh nghiệp sẽ chứng minh được sản phẩm của mình làm mức độ chất lượng như thế nào.

Còn quy chuẩn kỹ thuật là công cụ quản lý của nhà nước và chủ yếu nhằm vào vấn đề an toàn, vệ sinh, sức khỏe và môi trường, và nhà nước dùng công cụ đó để kiểm soát nhằm giảm thiểu những nguy cơ, rủi ro có tác động xấu  đến con người và môi trường.

Và đồng thời để chuyển hóa trong bối cảnh hội nhập, vấn đề hàng hóa không đảm bảo an toàn, không đảm bảo các vấn đề môi trường nó xâm nhập vào thị trường Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và của chính những doanh nghiệp trong nước.

Trong bối cảnh hội nhập, mục đích của hội nhập là tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xâm nhập các thị trường nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam, và ngược lại tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các sản phẩm của nhiều nước khác nhau. Muốn sản phẩm hàng hóa được luân chuyển tự do, vai trò của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chính là tháo gỡ những phiền phức, rắc rối và xu hướng hiện nay chính là hội nhập về tiêu chuẩn, thông qua hệ thống hài hòa tiêu chuẩn của các quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế. Hài hòa về phương pháp quản lý để đảm bảo rằng khi sản phẩm đã được thử nghiệm đã được đánh giá có thể xâm nhập thị trường mà không phải làm đi làm lại rất nhiều lần, đó là những vai trò rất quan trọng để tạo điều kiện cho sản phẩm, hàng hóa trong bối cảnh hội nhập ngày càng mở rộng.

MC: Thưa ông Nguyễn Ngọc Bích, ở góc độ một doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác xây dựng tiêu chuẩn, ông có đánh giá như thế nào về vai trò của tiêu chuẩn hóa trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của chính doanh nghiệp?

Đối với mỗi doanh nghiệp thì việc có tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình vô cùng quan trọng. Đầu tiên, doanh nghiệp có thể áp dụng tiêu chuẩn vào quá trình sản xuất, giúp chuẩn hóa các khâu của quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí nhờ giảm sai lỗi của sản phẩm, đơn giản hóa quá trình sản xuất.

Hai là, việc có tiêu chuẩn giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn, sản phẩm đầu ra nhờ có tiêu chuẩn mà chất lượng sẽ đồng bộ, đồng đều hơn hơn, giúp nâng cao hình ảnh, uy tín doanh nghiệp trên thị trường, tăng sức cạnh tranh, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế

Ba là, đối với THIBIDI Đồng Nai, chúng tôi hướng nhiều tới việc xuất khẩu các sản phẩm của mình ra nước ngoài nên việc có tiêu chuẩn (đặc biệt là các tiêu chuẩn hài hòa với thế giới) sẽ giúp các đối tác của chúng tôi từ các nước khác họ tin tưởng hơn vào sản phẩm của THIBIDI. Khi đó, chúng tôi có thể dễ dàng hơn trong việc đưa sản phẩm mở rộng ra thị trường nhiều nước trên thế giới.

MC: Thưa ông Hoàng Mạnh Tân, là doanh nghiệp có rất nhiều sản phẩm, vậy việc triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm của Sơn Hà được thực hiện như thế nào?

Trong việc xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp nào cũng nghiên cứu về khách hàng, trong đó có Sơn Hà. Doanh nghiệp chúng tôi có những sản phẩm xuất khẩu tới 3 quốc gia, như Mỹ, EU… Ngoài việc chấp hành quy chuẩn Việt Nam thì việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước rất quan trọng.

Ví dụ, mặt hàng chậu rửa nhà bếp của Sơn Hà, trong thị trường Việt Nam yêu cầu nhiều tiêu chuẩn về đánh bóng, độ bóng… Nhưng ở thị trường Mỹ, Canada thì yếu tố góc, cạnh sản phẩm không được sắc để không bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu yêu cầu đó không được thực hiện, khi bán hàng, doanh nghiệp phải mua với mức phí rất cao.

Như vậy, nếu không đáp ứng vấn đề tiêu chuẩn thì sản phẩm không đáp ứng yêu cầu trong và ngoài nước.

MC: Còn đối với THIBIDI thì sao, thưa ông Bích?

Như tôi đã nói ở trên, việc áp dụng các QCVN, tiêu chuẩn Việt Nam mang tính hài hòa, tương thích cao với hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế sẽ là một thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm nội địa cũng như xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Việc áp dụng các tiêu chuẩn cũng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các đối tác nước ngoài, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế.

Đối với THIBIDI, việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn đã được coi trọng và đưa vào thực tiễn từ rất sớm. Chúng tôi đã đưa nhiều tiêu chuẩn áp dụng vào sản xuất như IEC (tiêu chuẩn ISO/IEC 17025), tiêu chuẩn của Mỹ, tiêu chuẩn cho các phòng thí nghiệm. Và chúng tôi cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong được chứng nhận cho các tiêu chuẩn đã áp dụng.

Nhờ có tiêu chuẩn, hàng hóa của chúng tôi xuất khẩu dễ dàng hơn. Tôi cho rằng đó là thành quả lớn từ việc mở cửa hội nhập và áp dụng tiêu chuẩn hóa vào doanh nghiệp sớm.

MC: Thưa ông Lương Văn Phan, trong xu hướng tự do hóa thương mại, các là tiêu chuẩn kỹ thuật đang được sử dụng như những công cụ hữu hiệu để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo ông, cần phải làm gì để tiêu chuẩn trở thành công cụ hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế?

Bản thân tiêu chuẩn là công cụ của doanh nghiệp, chỉ có điều làm thế nào để công cụ đó đạt kết quả cao, đó là vấn đề trong bối cảnh hội nhập chúng ta cần quan tâm.

Trước hết về phía quốc gia, theo tôi nghĩ xu hướng tất yếu đó là phải hài hòa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và một số khu vực.

Trong quá trình hài hòa sẽ tạo cho doanh nghiệp bức tranh tổng thể về trình độ chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trên quy mô lớn đó như trên thế giới. Tuy nhiên chúng ta chỉ dừng ở tiêu chuẩn quốc gia hay tiêu chuẩn quốc tế chúng ta sẽ gặp khó khăn khi chúng ta có thị trường rất đa dạng về sử dụng, về chất lượng… Và do đó, đối với doanh nghiệp, tôi mong rằng để tiêu chuẩn trở thành công cụ ngoại giao, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho riêng mình, bởi vì một sản phẩm có thể có nhiều tiêu chuẩn cụ thể tương ứng với các nhu cầu thị trường xuất khẩu.

 Ví dụ như Sơn Hà hiện nay có khoảng 30 nước đang là thị trường xuất khẩu, bắt buộc Sơn Hà phải nghiên cứu 30 nước đó trình độ và tiêu chuẩn có khác nhau không, nếu khác nhau cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để phù hợp với từng nước.

Làm được điều đó sẽ khiến cho hiệu quả công cụ của tiêu chuẩn đối với sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu sẽ ngày càng được nâng cao.

MC: Hiện nay với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tiêu chuẩn thế giới, để đảm bảo vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, theo bà Hà chúng ta phải làm gì đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại phù hợp với thông lệ của quốc tế?

 Bà Ngô Thị Ngọc Hà

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đó cũng chính là yêu cầu bắt buộc hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải thay đổi.

Như chúng ta biết, tiêu chuẩn đầu tiên của Việt Nam được ban hành vào năm 1963, tính cho đến nay cũng đã trên 55 năm, phải công nhận một điều rằng, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã có rất nhiều đóng góp, dấu ấn trong công cuộc phát triển về kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu kinh tế quốc tế, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam cũng cần phải thay đổi, để đáp ứng nhu cầu quản lý hiện tại, nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đây, tiêu chuẩn hóa định hướng vào các sản phẩm cụ thể, nhưng, hiện nay, đối tượng về tiêu chuẩn hóa đã có sự thay đổi. Nghĩa là, trước đây, chúng ta chưa quan tâm đến trách nhiệm xã hội, mà chỉ quan tâm đến chất lượng của một sản phẩm hàng hóa cụ thể. Bây giờ, chúng ta đã có tiêu chuẩn SA 8000, TCVN ISO 26000 liên quan đến vấn đề trách nhiệm xã hội và cũng quy định rất nhiều về những nội dung khác.

Bên cạnh đó là vấn đề về các công nghệ mới nổi. Ví dụ như, vấn đề tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước. Ngày trước, chúng ta nghĩ rằng nước là vô hạn, hiện giờ, chúng ta đã nhận thức được nước là hữu hạn. Vậy thì phải làm sao để có được các thiết bị hoặc công nghệ tiết kiệm nước?

Hoặc đối với vấn đề đô thị thông minh, nông nghiệp hữu cơ… Mấy năm gần đây, chúng ta đề cập khá nhiều đến vấn đề nông nghiệp hữu cơ, tức là đối với tình trạng môi trường ô nhiễm, chúng ta phải thay đổi, không chỉ nghĩ đến chuyện phát triển “nóng” nữa, mà cần phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng cuộc sống.

Một điểm khác nữa, đối với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, có lẽ trong việc xây dựng tiêu chuẩn cũng cần phải thay đổi. Chúng ta phải xác định có được các nghiên cứu về thị trường, việc xây dựng tiêu chuẩn phải tuân theo định hướng của thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu như chúng ta không tập trung vào thị trường, thì tất cả những tiêu chuẩn được công bố sẽ không có hiệu quả.

Liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi về cách suy nghĩ về nguồn lực xây dựng tiêu chuẩn. Tôi đang muốn đề cập đến vấn đề xã hội hóa, tức là chúng ta phải có nghiên cứu cụ thể về vấn đề xây dựng tiêu chuẩn xã hội hóa. Việc xây dựng tiêu chuẩn phải có sự tham gia, xây dựng đầy đủ của các bên liên quan mà trong đó họ có lợi ích trong việc ban hành tiêu chuẩn. Cộng với nguồn lực về tài chính, sẽ được lấy từ khu vực kinh tế tư nhân, chứ không phải như hiện nay, việc xây dựng tiêu chuẩn chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước (chiếm 95%).

Ngoài ra, để phát triển được hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam đáp ứng được đúng nhu cầu, có lẽ cũng cần phải có những nghiên cứu về độ bao quát, mở rộng, cũng như chất lượng của các tiêu chuẩn trong hệ thống.

Phần 2: Đổi mới hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam

MC: Thưa bà Hà, với tỷ lệ hơn 50% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực?

Chúng ta phải làm rõ lại khái niệm về hài hòa tiêu chuẩn. Đây chính là việc kéo những mức yêu cầu kĩ thuật của tiêu chuẩn của các quốc gia cho đối tượng tiêu chuẩn hóa xích lại gần nhau. Điểm giống nhau ở đây, không phải chỉ mức độ, chỉ tiêu về kĩ thuật, mà nó còn quy định về quy trình xây dựng tiêu chuẩn, trình bày tiêu chuẩn, đảm bảo được “một tiêu chuẩn, một chứng nhận được chấp nhận ở mọi nơi”. Nghĩa là tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) tương ứng với tất cả các tiêu chuẩn của ISO về các chỉ tiêu, yêu cầu kĩ thuật cũng như cách trình bày, lúc đó sẽ có sự thống nhất cao cả về hình thức trình bày, hiệu lực của tiêu chuẩn đó.

Đối với Việt Nam, vấn đề này được Nhà nước hết sức quan tâm. Cụ thể qua 2 chương trình quốc gia: Từ năm 2005-2010 triển khai Đề án của hiệp định hàng rào kĩ thuật trong lĩnh vực thương mại (Đề án TBT), trong nhiệm vụ này, chúng ta đặt ra mục tiêu xây dựng, rà soát hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam phải hài hòa và đáp ứng được quy chuẩn quốc tế.

Từ năm 2010-2020 triển khai chương trình Nâng cao Năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, chia rõ làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên (từ năm 2010-2015), xây dựng 4.000 tiêu chuẩn với chỉ tiêu 45% số lượng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; Giai đoạn 2 (từ năm 2016-2020) xây dựng mới 2000 tiêu chuẩn với tỉ lệ tiêu chuẩn quốc gia hài hào với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực 60%.

Hiện nay, chúng tôi đã nắm khá sát về tỉ lệ về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa. Về chỉ tiêu 60% tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu đề ra. 

MC: Với vai trò Trưởng ban Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, ông Phan nhận định như thế nào về mức độ hài hòa của các tiêu chuẩn Việt Nam với thế giới?
 Ông Lương Văn Phan.

Nói đến mức độ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực nước ngoài, phải đánh giá bằng 3 chỉ tiêu.

Thứ nhất, về số lượng tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế ở mức độ nào. Như bà Hà đã cung cấp con số là hơn 60%, riêng mảng điện điện tử tôi dám chắc rằng trên 90% các tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế IEC.

Thứ 2,là đánh giá về chất lượng hài hòa, có một số trường hợp như chấp nhận hoàn toàn hay hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc gia, hoặc tương đương hoặc có thể thay đổi về biên tập hoặc tương đương có thể thay đổi về kỹ thuật…

Hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đang hài hòa theo phương pháp đó là chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc tế thành tiêu chuẩn quốc  gia .

Thứ 3, là cách tổ chức, cách thể hiện và trình bày tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta cũng chấp nhận hoàn toàn phương pháp mà tổ chức quốc tế  ISO và IEC khuyến cáo đó là phần chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc tế thành tiêu chuẩn quốc gia được thể hiện tiêu chuẩn như thế nào và thông qua cách thể hiện người sử dụng tiêu chuẩn họ sẽ nhận biết ngay được tiêu chuẩn quốc gia hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế tương ứng. Và khi thực hiện, tất cả việc đánh số từ đầu đến cuối hoàn toàn trùng lặp với đánh số của tiêu chuẩn quốc tế và điều đó rất thuận lợi cho các doanh nghiệp và người sử dụng tiêu chuẩn để tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Với 3 chỉ tiêu nêu trên, chúng ta sẽ hài hòa và khái quát được mức độ hài hòa của tiêu chuẩn Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế như thế nào.

MC: Vậy ông có nhìn nhận như thế nào về hoạt động xã hội hóa công tác xây dựng tiêu chuẩn. Điều này mang lại lợi ích gì cho các bên: Quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thưa ông Phan?

Đây là một vấn đề về phía cơ quan chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn đang bức xúc và quan tâm trong nhiều năm nay.

Tiêu chuẩn là công cụ của nhà sản xuất và nhà kinh doanh, thế nhưng bấy lâu nay do thể chế của chúng ta thành ra các tiêu chuẩn tự nhiên trói vào trách nhiệm của cơ quan nhà nước công bố ra các tiêu chuẩn, sau đó các doanh nghiệp sử dụng các tiêu chuẩn đó để áp dụng.

Đáng lẽ phải đi từ doanh nghiệp, doanh nghiệp có nhu cầu gì về sản phẩm nào, cần tiêu chuẩn cho sản phẩm nào… bắt đầu từ doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đề xuất, định ra các tiêu chuẩn, vì không ai khác ngoài doanh nghiệp thấu hiểu sản phẩm cần như thế nào, thể hiện dưới dạng tiêu chuẩn ra làm sao, và không ai hiểu khách hàng họ đang cần gì, muốn gì…Do đó việc xã hội hóa cần  thúc đẩy càng nhanh càng tốt, quá trình tiêu chuẩn hóa được diễn ra ở nhiều công đoạn, trong đó có công đoạn lập quy hoạch để xây dựng tiêu chuẩn, lập kế hoạch hàng năm để xây dựng tiêu chuẩn, quá trình tổ chức soạn thảo tiêu chuẩn rồi sau đó là công bố phát hành, giai đoạn về sau của hoạt động tiêu chuẩn hóa mới là quan trọng nếu không chúng ta chỉ được một mớ tài liệu đút trong ngăn tủ và thời nay có kho điện chứ để chứa mà thôi.

Giai đoạn tiếp theo quan trọng đó là áp dụng tiêu chuẩn và ai là người áp dụng chính là doanh nghiệp, cơ quan quản lý, tổ chức đánh giá, tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm lúc này tất cả các bên cùng tiến hành biến tiêu chuẩn đã được tổ chức xây dựng vào trong sản phẩm, để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Các cơ quan quản lý rất cần tiêu chuẩn đó để phục vụ quản lý, doanh nghiệp cũng cần tiêu chuẩn đó để thiết kế, thử nghiệm đưa ra được bằng chứng về sản phẩm mình đạt chất lượng thế nào, các tổ chức đánh giá thử nghiệm cũng xông vào trận để tiến hành giúp cơ quan nhà nước và doanh nghiệp xác định được mức độ chất lượng của sản phẩm, và cuối cùng người tiêu dùng được hưởng chất lượng của các sản phẩm đó. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp trong các khâu là rất quan trọng, kể cả từ khâu lập quy hoạch , kế hoạch tham gia vào quá trình làm tiêu chuẩn và cuối cùng là người thực thi tiêu chuẩn.

MC: Để có một hệ thống TCVN, QCVN khá đầy đủ như hiện nay không thể không nhắc đến vai trò của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và sự tham gia rất nhiệt tình của các doanh nghiệp. Thưa bà Hà, Bà có nhận định như thế nào về sự đóng góp của đội ngũ này trong công tác tiêu chuẩn hóa của Việt Nam?

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 130 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, và khoảng 54 tiểu Ban nhằm xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, QCVN.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý rằng, đối với việc xây dựng tiêu chuẩn, nguyên tắc chính là sự đồng thuận, minh bạch. Nếu như chỉ vì lợi ích của một bên nào đó trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, thì ý nghĩa của tiêu chuẩn đó sẽ không còn nữa.

Nói đến các bên liên quan tham gia trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, theo Điều 15 của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nói rất rõ, đó chính là đại diện cơ quan quản lý; doanh nghiệp; các đơn vị thử nghiệm; chứng nhận; các chuyên gia độc lập cũng như đại diện các hiệp hội.

Như vậy, khi tiêu chuẩn công bố ra mới đảm bảo được sự đồng thuận, không nghiêng về lợi ích bên nào. Và đấy là nguyên tắc vàng trong xây dựng tiêu chuẩn.

Điều 16 Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng quy định rất rõ khi tham gia quá trình xây dựng tiêu chuẩn liên quan đến các Ban kĩ thuật. Điều 17 nêu, đối với tổ chức cá nhân khi xây dựng tiêu chuẩn, bắt buộc phải gửi tiêu chuẩn lấy ý kiến của các bên liên quan, để đảm bảo sự minh bạch.

Phải khẳng định rằng, sự tham gia của các thành viên Ban kĩ thuật, của các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, bởi đấy chính là những người giữ cho các tiêu chuẩn khi được công bố đảm bảo phù hợp quyền lời của tất cả các bên liên quan. 

MC: Trong những năm gần đây, hoạt động tiêu chuẩn hóa có rất nhiều sự đổi mới, trong đó phải kể đến hoạt động xã hội hóa công tác xây dựng tiêu chuẩn. Ông Bích có thể chia sẻ thêm về điều này từ thực tiễn của THIBIDI?

Như hai chuyên gia đề cập, lợi ích của việc xây dựng tiêu chuẩn phản ánh rất rõ ràng lợi ích doanh nghiệp. Tôi nghĩ việc doanh nghiệp được tham gia góp ý xây dựng tiêu chuẩn là công bằng và mọi doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm này.

Trong những năm qua, THIBIDI cũng hết sức tích cực tham gia góp ý, phản biện đối với quá trình xây dựng các tiêu chuẩn mà các bộ ngành gửi xuống, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan tới ngành điện (ví dụ như tiêu chuẩn trạm hợp bộ kiot 3 ngăn).

Theo tôi, không chỉ THIBIDI mà các doanh nghiệp khác cũng cần tích cực tham gia vào quá trình góp ý, xây dựng tiêu chuẩn. Bởi việc này sẽ đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo nên sự hài hòa với lợi ích các bên khi tiêu chuẩn được áp dụng.

MC: Rõ ràng công tác xây dựng tiêu chuẩn nhận được sự quan tâm rất nhiều của các DN. Thưa ông Tân, Sơn Hà đã có hoạt động như thế nào để triển khai áp dụng các TCVN, tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh?

 Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng giám đốc Công ty CP quốc tế Sơn Hà

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn giữa các khái niệm tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải tự mình xây dựng, tham gia các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cuối cùng, người tiêu dùng, thị trường sẽ đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp.

Việc xây dựng các TCVN, tiêu chuẩn quốc gia thì các bên phải đặt vấn đề hài hòa lợi ích. Doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình này không nên tư duy đưa vào những tiêu chuẩn có tính chất dễ dàng, đơn giản để tồn tại được. Như vậy, không đảm bảo sự phát triển bền vững.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn giữa các khái niệm tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải tự mình xây dựng, tham gia các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cuối cùng, người tiêu dùng, thị trường sẽ đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp.

MC: Thưa ông Phan, sự kết nối giữa các chuyên gia, nhà quản lý cùng thực tiễn từ các doanh nghiệp trong công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo ông đánh giá hiện nay được thể hiện như thế nào?

Thực ra, định hướng phát triển tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay đang đi theo hướng rất đúng tức là xã hội hóa, mà hướng đúng của xã hội hóa là kết nối được tất cả các bên có liên quan đến hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, áp dụng tiêu chuẩn trong quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, và trong quá trình thực thi quy chuẩn kỹ thuật.

Các bên tham gia hiện nay, tôi cho rằng rất đầy đủ, ví dụ như có đại diện của cơ quan nhà nước, có các doanh nghiệp tham gia vào quá trình, có người tiêu dùng, có các tổ chức thử nghiệm, đánh giá và có cả các chuyên gia có kinh nghiệm trong các quá trình,…tuy nhiên sự kết nối hiện nay tôi cảm thấy chưa đi được vào chiều sâu, về phía cơ quan nhà nước mang tính thụ động, tất cả các chuyên gia và bên liên quan gần như thụ động. Chưa có vai trò tham gia vào quá trình cùng với cơ quan quản lý nhà nước, chính vì vậy tôi mong rằng có sự chủ động hơn nữa.

Các doanh nghiệp đôi khi thực hiện một văn bản về quy chuẩn kỹ thuật toàn để văn bản ban hành xong và đưa vào thực hiện mới đưa ra ý kiến, nhưng trong quá trình góp ý lại thờ ơ.

Bên cạnh đó, vai trò đại diện đang thiếu trong quá trình kết nối, đáng lẽ sản xuất trong ngành máy biến áp phải có hiệp hội biến áp, hay đường ống phải có hiệp hội đường ống…và trong quá trình góp ý kiến vào tiêu chuẩn, quy chuẩn cần có người đại diện đóng góp. Tuy nhiên vai trò tham gia đại diện, chỉ theo quyền lợi riêng và ý kiến riêng của doanh nghiệp chưa có sự kết nối về các hiệp hội .

Chính vì thế, chúng ta quan tâm đến chất lượng kết nối trong văn bản thực thi thay vì kết nối theo tính chất hình thức và cơ học.

MC: Thưa ông Phan, vậy để các tiêu chuẩn, quy chuẩn mang lại hiệu quả thiết thực với các doanh nghiệp và tương thích với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn thế giới, theo ông chúng ta cần phải có những bước đi như thế nào trong thời gian tới?

Ở đây, Có hai loại văn bản, một là loại văn bản áp dụng hoàn toàn mang tính chất tự nguyện đó là áp dụng tiêu chuẩn vào quá trình sản xuất, riêng đối với quy chuẩn kỹ thuật không thể áp dụng tự  nguyện mà lúc đó trách nhiệm của các doanh nghiệp thực thi các quy định đó.

Đối với tiêu chuẩn hiện nay, hình thức áp dụng tương đối là thoải mái, doanh nghiệp áp dụng đến chừng mực nào tùy mỗi doanh nghiệp, bởi vì họ sẽ lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh khác nhau.

Tuy nhiên đối với TCVN, quy chuẩn kỹ thuật, lúc này doanh nghiệp phải có trách nhiệm và thực thi việc đó, phải được hỗ trợ từ nhiều các bên liên quan đặc biệt cơ quan thử nghiệm, cơ quan đánh giá, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa ra sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, vừa đáp ứng yêu cầu nhà nước, đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường.

MC: Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng, triển khai áp dụng tiêu chuẩn của THIBIDI, ông Bích có đề xuất gì để hoạt động này hiệu quả hơn nữa cho DN trong thời gian tới?

 Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện - THIBIDI Đồng Nai

Khó khăn đầu tiên phải nói đến là nguồn lực doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực phụ trách mảng tiêu chuẩn tại doanh nghiệp còn hạn chế. Tìm được người có tâm huyết, trình độ làm công việc này rất khó.

Bởi một người nếu làm ở vị trí đó cần có nhiều hiểu biết về tiêu chuẩn, về sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, còn phải biết kết nối với các chuyên gia, các ban kỹ thuật về xây dựng tiêu chuẩn để tìm hướng đi cho quá trình áp dụng tiêu chuẩn vào sản xuất của doanh nghiệp.

Lấy ví dụ như về lĩnh vực điện, ICE liên tục có các tiêu chuẩn mới cho các sản phẩm trong ngành điện. Khi đó mình phải liên tục cập nhật các tiêu chuẩn đó để áp dụng cho sản phẩm của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khi đó, chắc chắn cũng sẽ nảy sinh việc sản phẩm của chúng ta (nếu theo tiêu chuẩn cũ) phải cạnh trạnh với các sản phẩm theo tiêu chuẩn mới. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật sự thay đổi của các tiêu chuẩn.

Khó khăn thứ hai là khi doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới thì rất loay hoay trong việc phải chọn tiêu chuẩn nào cho sản phẩm của mình để vừa đáp ứng yêu cầu trong nước vừa đáp ứng xuất khẩu. Do đó, thời gian tới chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối với các chuyên gia, các ban kỹ thuật để có tư vấn về tiêu chuẩn cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Còn riêng với doanh nghiệp thì cần có người chuyên môn làm về công tác tiêu chuẩn hóa, được đào tạo bài bản, có kết nối với chuyên gia, ban kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp trong các trường hợp khó khăn

Tôi cho rằng, tiêu chuẩn hóa rất cần cho phát triển bền vững và người chủ doanh nghiệp cần ý thức được điều này. Và cần có giải pháp để áp dụng tiêu chuẩn phù hợp với thực tế doanh nghiệp, tránh việc áp dụng tiêu chuẩn không đúng dễ thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng luôn cần ý thức về sự cải tiến, đổi mới liên tục khi sản xuất sản phẩm của mình sao cho chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

MC: Trước những khó khăn như của doanh nghiệp Sơn Hà, THIBIDI theo bà Hà, cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia sẽ phải làm gì để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh? 

Thứ nhất, nếu trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, nếu các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, chúng ta sẽ có được lợi thế cạnh tranh là đưa nội dung về tiêu chuẩn mà chúng ta mong muốn vào quy định trong tiêu chuẩn.

Thứ hai, vì là người tham gia, nên doanh nghiệp sẽ hiểu biết kĩ lưỡng được nội dung tiêu chuẩn hơn, đặc biệt so với những doanh nghiệp không trực tiếp tham gia xây dựng tiêu chuẩn. Chính vì vậy, sự kết nối giữa cơ quan xây dựng tiêu chuẩn với doanh nghiệp; các bên liên quan rất quan trọng.

Đối với những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến tiêu chuẩn hóa, chúng ta nói về chuyên môn hóa. Vậy thì tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên những nền tảng nào?

Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; Dựa trên kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu; Dựa trên những kết quả thử nghiệm…

Đối với Công ty CP quốc tế Sơn Hà, tôi rất mong muốn khi doanh nghiệp có sản phẩm mới và muốn xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm đó, trước tiên doanh nghiệp sẽ phải xây dựng một bộ tiêu chuẩn cơ sở, sau đó, từ nền tảng tiêu chuẩn cơ sở sẽ nâng cấp lên thành tiêu chuẩn quốc gia.

Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan tiêu chuẩn hóa của doanh nghiệp nói chung sẽ có sự kết nối với cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), qua đó kết nối với Ban tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia… phối hợp trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn.

Về vấn đề chuyên môn hóa, Ban tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia là một tổ chức chuyên xây dựng những tiêu chuẩn quốc gia theo đúng quy trình giống như của quốc tế. Khi Ban tiêu chuẩn kết hợp cùng doanh nghiệp, tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ có đủ các tiêu chuẩn, hệ thống tiêu chuẩn cấp cơ sở, quốc gia để có thể áp dụng.

Cùng với đó, cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia cần tuyên truyền, phổ biến để phổ biến rộng rãi lợi ích của việc xây dựng tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp.

Đồng thời, cần phải có Cổng thông tin để cung cấp những tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực để các doanh nghiệp áp dụng sẽ có được các phiên bản mới nhất.

Doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia để xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của mình.

Ví dụ như Hàn Quốc, Nhật Bản, cơ quan tiêu chuẩn quốc gia của các quốc gia này rất chú trọng đến việc kết hợp với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng. Bởi vậy, tôi nghĩ chúng ta nên học tập những bước đi của các doanh nghiệp các nước để ngày càng hội nhập và phát triển. 

 Ông Trần Văn Dư - Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổng Biên tập Chất lượng Việt Nam Online tặng hoa các vị khách mời.

MC: Sau hơn 2 giờ thực hiện, chương trình xin kết thúc ở đây, một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình.

Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và các bạn.

Xin chào và hẹn gặp lại!
BBT
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang