Tổng đình công toàn cầu ngày Quốc tế Lao động

author 22:24 02/05/2012

Khác với giới thượng lưu rong ruổi trên du thuyền để xả hơi và xả stress, hàng ngàn người đã cùng nhau xuống đường “vạch trần” những điểm đen đang nhấn chìm cuộc sống người lao động.

Các cuộc biểu tình ngày 1/5 không chỉ giới hạn từ thành phố New York tới bang California của nước Mỹ mà còn lan đến các thành phố lớn của Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Bất mãn trước sự bất lực của chính quyền với sự suy thoái của nền kinh tế, đời sống ngày càng khó khăn đang đè lên đôi vai người lao động, rất nhiều nước đã hưởng ứng phong trào này.

Hầu hết các cuộc xuống đường kêu gọi một cuộc tổng đình công toàn cầu, “không làm việc, không đi học, không giao dịch ngân hàng và không mua sắm”. Hoạt động tại các trung tâm đô thị lớn trên thế giới trong ngày Quốc tế Lao động ở Amsterdam, Athens, Aukland, Barcelona, London, Melbourne, Toronto đến Seoul, New Delhi… bị tê liệt hoàn toàn.

Phong trào Chiếm phố Wall. Ảnh: ABCnews

Tại hơn 100 thành phố của Mỹ, hàng chục ngàn người biểu tình đã hưởng ứng phong trào Chiếm phố Wall (OWS). Phong trào OWS gọi ngày 1/5/2012 là “Ngày không có 99%” với ý nghĩa 99% người lao động phải làm việc để phục vụ cho 1% số người giàu nhất trên thế giới.

Người biểu tình đòi hỏi nhiều công bằng xã hội hơn, lên án giới ngân hàng, thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Họ cũng phản đối sự tham lam của giới tài chính, ảnh hưởng của giới tài chính lên nền chính trị Mỹ, trong lúc cuộc bầu cử tổng thống đã bị ảnh hưởng của tiền tệ và các tập đoàn tài chính chi phối. 

Tại Anh, người biểu tình đã tụ tập trước cửa trung tâm chứng khoán ở London giơ cao những khẩu hiệu ghi “Chúng ta thuộc 99%”. OWS cho biết cuộc tổng đình công lần này tập trung kêu gọi chống bóc lột, đàn áp và tham nhũng.

Tại Seoul, người biểu tình đã thúc giục chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi các thể chế tài chính lớn và bãi bỏ những quy định có lợi cho tầng lớp giàu có trong xã hội…

Tại Đông Timor, quốc gia chỉ có 1,1 triệu dân, cũng có hơn 500 người xuống đường biểu tình đòi tăng lương.

Ước tính, tổng đình công toàn cầu đã diễn ra ít nhất ở 30 quốc gia. Hầu hết người biểu tình đều hưởng ứng thông điệp của OWS khi họ nhận thấy khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng do những chính sách kinh tế có lợi cho các tập đoàn. Trên các mạng xã hội cũng tràn ngập các khẩu hiệu như: Chiếm Sydney, Chiếm Madrid hay Chiếm lấy thị trường tài chính London...

Người biểu tình đeo mặt nạ hình tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trên đường phố Paris. Ảnh BBC
Hình nộm tổng thống Philippines Benigno Aquino bị đốt cháy tại thủ đô Manila. Ảnh: BBC
Bộ đồ đặc biệt ám chỉ việc cắt giảm lương là giết chết cuộc sống người lao động trên đường phố Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Fox
Nữ sinh biểu tình phản đối tăng học phí tại Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: BBC
Nữ sinh Thổ Nhĩ Kỳ tự xích tay để phản đối những chính sách thắt chặt của chính phủ. Ảnh: AP
Hàng ngàn người tập trung đòi quyền lợi tại trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Ảnh: Fox
Cảnh sát trấn áp người biểu tình trên đường phố New York. Ảnh: ABCnews
Người thất nghiệp biểu tình tại Valencia, Tây Ban Nha. Ảnh: BBC
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình quá khích tại New York. Ảnh: ABCnews  
Biểu tình chống tăng giá tại Srinagar, Ấn Độ. Ảnh: Fox

 

Hạnh Lê 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang