TP. Hồ Chí Minh: Phát triển ngành công nghiệp vi mạch theo hướng thương mại hóa

author 06:27 06/01/2018

(VietQ.vn) - TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển ngành công nghiệp vi mạch theo hướng thương mại dịch vụ, phát triển sản phẩm ứng dụng phù hợp cho đô thị thông minh.

Góp phần tạo ra một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp thiết kế vi mạch và thiết bị dùng vi mạch Việt Nam thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã được ghi nhận với những đóng góp xuất sắc cho phát triển công nghệ thông tin - truyền thông của thành phố.

Các sản phẩm vi mạch mang thương hiệu Việt Nam đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong một số ngành

Đi tiên phong phát triển ngành công nghiệp vi mạch, đến nay ICDREC đã có hàng loạt sản phẩm về vi mạch như đã thiết kế và gửi chế tạo thành công chip vi điều khiển đầu tiên “Made in Việt Nam” vào năm 2008 đặt tên là SigmaK3 ở công nghệ 0.25um. Hay thiết kế và gửi sản xuất thành công chip vi xử lý VN8- 01 vào năm 2009, đã được ứng dụng thực tế trong dự án chuyển giao công nghệ “Hệ thống kiểm soát và báo hiệu an toàn hàng hải” cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 2.

Kế tiếp các năm sau đó, ICDREC cho ra đời chip vi điều khiển 32 bit VN16-32; rồi chip vi điều khiển 32 bit công suất thấp VN1632LP, được cải tiến với nhiều tính năng vượt trội. Đặc biệt gần đây ICDREC đã thiết kế và gửi sản xuất thành công chip vi điều khiển thương mại đầu tiên của Việt Nam SG8V1, đã sản xuất 150.000 chip thương mại, ứng dụng trên gần 30 sản phẩm và 5 hệ thống tích hợp của ICDREC. Chip vi điều khiển SG8V1 có thể sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện, điện tử với tính năng kỹ thuật, hiệu năng bằng hoặc cao hơn và giá thành chỉ bằng một nửa chip nhập ngoại cùng loại. Đặc biệt chip có khả năng tùy biến và tích hợp các công nghệ bảo mật phục vụ an ninh quốc phòng, bảo mật thông tin quốc gia... ICDREC cũng dần làm chủ những công nghệ mới và tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch, đặc biệt trong việc xây dựng đô thị thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Từ những kết quả ban đầu, ngành công nghiệp vi mạch đến nay đã có tên trên bản đồ sản xuất chip của thế giới bằng việc thu hút nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam như Intel, Samsung, Microsoft…

Để phát huy lợi thế này, TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để xây dựng nền tảng công nghiệp vi mạch bán dẫn theo hướng lấy dịch vụ, công nghệ hiện đại làm trọng tâm. Song song đó, thành phố sẽ tập trung thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong và ngoài nước, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa thành phố với các đơn vị trong và ngoài nước, nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện cho hệ sinh thái phục vụ công nghệ vi mạch. Đồng thời nhân rộng chương trình phát triển vi mạch của thành phố thành chương trình trọng điểm cấp quốc gia, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.

Theo Báo Công Thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang