TP.HCM đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh logistics

author 07:08 19/11/2023

(VietQ.vn) - Trong lần đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) TP.HCM là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng, sau đó là TP.Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa chính thức công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022. Theo đó TP.HCM đứng đầu cả nước, tiếp đến là Hải Phòng, Bình Dương; Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội đồng hạng tư.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh của Việt Nam được VLA khởi xướng với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu gồm Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI).

Đây là lần đầu tiên Việt Nam Công bố chỉ số LCI nhằm xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics các địa phương

Đây hoạt động cụ thể hoá nhiệm vụ "Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics" theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh năm 2022 được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam với thời gian khảo sát hơn một năm từ tháng 8/2022 đến tháng 11/2023.

Trong Báo cáo LCI năm 2022, 26 tỉnh và thành phố đã được lựa chọn dựa trên sự nổi bật về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khối lượng hàng hóa luân chuyển và số lượng doanh nghiệp logistics. Kết quả có 21 địa phương ở tất cả vùng kinh tế trong cả nước được đánh giá và xếp hạng LCI.

Với thang điểm 0 – 100, 21 tỉnh thành này đã nhận được số điểm từ 43,3 đến 74,3 điểm. Top 5 tỉnh, thành có điểm số cao nhất gồm TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội.

Có 5 địa phương trong danh sách đánh giá dự kiến nhưng chưa được nhóm nghiên cứu xếp hạng do không nhận được phiếu kết quả khảo sát đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics (LSP) là Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Bình.

Ngoài ra, một số địa phương thể hiện tiềm năng phát triển logistics nhưng chưa được đưa vào danh sách đánh giá năm 2022 như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa. Dự kiến trong lần đánh giá tiếp theo, các địa phương này cùng với các địa phương có tiềm năng về logistics khác sẽ được lựa chọn để đưa vào danh sách các tỉnh thành cần thực hiện đánh giá LCI.

Theo ông Lê Duy Hiệp, ngoài bảng xếp hạng, điểm đặc biệt mà nhóm nghiên cứu chỉ số LCI đề xuất như một kết quả quan trọng rút ra từ quá trình nghiên cứu đó là khẳng định mô hình Hệ thống logistics cần thiết bao gồm 5 yếu tố là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực (yếu tố mới trước kia được thể hiện như là hạ tầng mềm trong hợp phần cơ sở hạ tầng), các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sử dụng dịch vụ logistics và khung thể chế - chính sách thay vì sử dụng mô hình trước đây chỉ có 4 yếu tố. Báo cáo chỉ số LCI sẽ được duy trì thường kỳ nhằm cung cấp bức tranh logistics của tất cả các tỉnh, thành tại Việt Nam dựa trên 5 trụ cột chính gồm kinh tế, dịch vụ logistics, khung pháp lý - chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực logistics. 

Trong tương lai, việc đánh giá chỉ số LCI cấp tỉnh của Việt Nam những lần tiếp theo sẽ được tích hợp các kết quả cập nhật từ dữ liệu thứ cấp để đánh giá chính thức điểm số của các địa phương và là căn cứ thể hiện năng lực logistics của các địa phương (thông qua số liệu thực tế về hạ tầng giao thông vận tải, trung tâm logistics, kho bãi…).

Dịp này, VLA cũng tổ chức tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. VLA hiện đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng hội viên lẫn tỷ trọng đóng góp cho kim ngạch xuất nhập khẩu của nước nhà. Tính đến tháng 10/2023, VLA đã có 745 hội viên trong đó có 601 hội viên chính thức, 134 hội viên liên kết (102 hội viên là doanh nghiệp FDI) trong đó quy tụ được hầu hết doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ Logistics lớn của Việt Nam.

Dịp này, VLA cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị nhằm hỗ trợ ngành và các hội viên trong thời gian tới

Đánh giá cao những thành tựu đạt được sau 30 năm hình thành và phát triển, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho rằng VLA đã trải qua chặng đường khá dài với những đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, mở cửa và tăng trưởng kinh tế đất nước. Đội ngũ hội viên hiện nay có sự tăng trưởng vượt bậc với nhiều doanh nghiệp hàng đầu cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho hệ thống logistics Việt Nam. Bên cạnh đó, VLA đã góp tiếng nói quan trọng trong các tổ chức logistics quốc tế, nâng cao vị thế của cộng đồng logistics Việt Nam trên trường quốc tế, tạo sự kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Duy Hiệp cũng cho biết, thời gian tới VLA sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên; tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ Logistics quốc tế, Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực và tư vấn pháp lý cho hoạt động của Hội viên, thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; Phấn đấu tới năm 2030, 100% Hội viên thực hiện có kết quả công tác chuyển đổi số, Triển khai mạnh mẽ hoạt động Logistics xanh, Logistics thông minh và Logistics phục vụ hiệu quả xuất nhập khẩu nông sản…

Ngọc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang