TP.HCM: Dừng hoạt động 3 cơ sở thẩm mỹ không phép

author 16:57 12/05/2022

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng TP.HCM vừa buộc 3 cơ sở hoạt động thẩm mỹ ngừng ngay hoạt động sau khi thực hiện kiểm tra, phát hiện những cơ sở này ngang nhiên hoạt động không phép.

Các cơ sở ngừng hoạt động gồm: Viện Sắc đẹp Sora Luxury (địa chỉ 550 Đường 3/2, Phường 14, Quận 10) có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do UBND Quận 10 cấp, ngành nghề chăm sóc da. Vào thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện nơi này lại có phòng chức năng, trang thiết bị và vật tư, thuốc, hóa đơn phục vụ thủ thuật xâm lấn như tiêm filler, botox, căng chỉ bụng, nâng mũi…, các đơn thuốc phẫu thuật mí, đơn thuốc nâng mũi - độn cằm.

 Ngừng hoạt động cơ sở vì không xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ, hợp đồng của nhân viên, hóa đơn, nguồn gốc máy và giấy phép hoạt động trong lĩnh vực y tế. 

Tại cơ sở có nhân viên đang thực hiện chăm sóc da cho khách hàng. Cơ sở này cũng chưa xuất trình bằng cấp, chứng chỉ, hợp đồng của nhân viên, hóa đơn, nguồn gốc máy và giấy phép hoạt động trong lĩnh vực y tế.

Cũng tại Quận 10, Viện Sắc đẹp ERI'S ở địa chỉ số 188 Đường 3/2, Phường 12 cũng có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do UBND Quận 10 cấp ngành nghề chăm sóc da nhưng tại phòng chăm sóc da lại có các chất làm đầy, thuốc, mỹ phẩm, các hồ sơ khách hàng, phiếu dịch vụ thực hiện dịch vụ cấy chỉ, botox, các đơn thuốc phẫu thuật thẩm mỹ, đơn thuốc căng chỉ. Cơ sở chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ nguồn gốc máy, mỹ phẩm, chất làm đầy.

Ngoài ra, đoàn Thanh tra còn phát hiện cơ sở thẩm mỹ ShinHan tại 213 Lý Tự Trọng, Phường Bến Thành, Quận 1 có giường chức năng, thuốc, vật tư y tế, bảng hướng dẫn sau phẫu thuật; có hóa đơn đã thực hiện dịch vụ tiêm filler. Trên website có đăng tải quảng cáo các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Cơ sở chưa xuất trình hồ sơ nguồn gốc máy chăm sóc da, hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo.

Thanh tra Sở Y tế đã niêm phong và tạm giữ số thuốc, vật tư y tế liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ, yêu cầu các cơ sở ngừng ngay hoạt động thẩm mỹ trong lĩnh vực y tế, tháo gỡ ngay quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật thẩm mỹ.

Gần đây, TP.HCM ghi nhận nhiều ca tai biến thẩm mỹ. Trong tháng 4/2022 xảy ra 2 biến chứng thẩm mỹ, trong đó có một phụ nữ nâng ngực bị tử vong, một người khác bị biến chứng tim nguy kịch sau tiêm filler vào ngực và mặt tại cơ sở thẩm mỹ không đủ giấy phép, may mắn đã được cứu sống.

Đối với các hành vi vi phạm trong ngành nghề thẩm mỹ: Kinh doanh trái phép; hoạt động ngoài đăng ký kinh doanh… sẽ chịu chế tài xử lý theo quy định:

Khoản 6 Điều 29 NĐ 176/2013 quy định mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động. Đồng thời, đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với các cơ sở có hành vi này.

Ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính, trong thời gian hoạt động, các cơ sở này gây ra hậu quả chết người hoặc tổn thương về sức khỏe của khách hàng đến thực hiện dịch vụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với các trường hợp gây thiệt hại cho bệnh nhân trong quá trình hoạt động, các cơ sở này phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang