TP.HCM: Xử lý nghiêm các vi phạm về hành nghề và quảng cáo trong lĩnh vực y tế

author 07:45 11/10/2023

(VietQ.vn) - Sở Y tế TP.HCM vừa đề nghị tất cả các bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn chủ động kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện các trang mạng giả mạo, quảng cáo trái phép.

Mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị hiếm muộn

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, mặc dù Bệnh viện Chợ Rẫy chưa điều trị hiếm muộn bao giờ nhưng gần đây đã xuất hiện một trang Facebook có tên “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” để thu hút khách hàng. Chỉ sau một tháng xuất hiện, trang Facebook này đã thu hút nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến tư vấn thụ tinh ống nghiệm đón “song thai rồng phượng” với chi phí 25 triệu đồng.

Cụ thể, tuy quảng cáo là điều trị hiếm muộn lấy tên mạo danh của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng khi liên hệ theo số điện thoại trên trang Facebook này thì được hướng dẫn đến số 10 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận là trụ sở của Bệnh viện An Sinh.

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03) – Công an TP. HCM, cùng chuyên gia thụ tinh ống nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin tại Bệnh viện đa khoa An Sinh.

Cảnh giác với tài khoản Facebook mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị hiếm muộn. Ảnh minh họa 

Qua kiểm tra, bác sĩ P.T.T xuất trình chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Phụ sản do Sở Y tế TP. HCM cấp (năm 2020), có bằng chuyên khoa cấp I chuyên ngành Sản phụ khoa do Đại học Y dược TP. HCM cấp, và có chứng chỉ đào tạo hỗ trợ sinh sản, xét nghiệm tinh dịch đồ và các chứng chỉ/chứng nhận khác.

Tuy nhiên bác sĩ P.T.T khẳng định 02 trang Facebook có nội dung mạo danh “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” không phải do mình lập ra, và từ chối không có việc vào những trang này để móc nối người bệnh đến Bệnh viện An Sinh khám bệnh, chữa bệnh hiếm muộn. 

Liên quan tới bác sĩ trên, đại diện Bệnh viện An Sinh cho biết bệnh viện này có ký “Hợp đồng hợp tác” với bác sĩ này với công việc chính là khám và tư vấn cho người bệnh. Còn đại diện Bệnh viện Vạn Hạnh cho biết có ký “Hợp đồng lao động” với bác sĩ này chỉ làm việc 2 giờ/tuần vào ngày Chủ nhật với công việc là khám và tư vấn cho người bệnh.

Trước tình trạng này, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM đã yêu cầu các bệnh viện này rà soát, kiểm tra lại việc tuân thủ các quy định liên quan đến người hành nghề khám chữa bệnh, kiểm tra và củng cố các quy trình khám chữa bệnh, tư vấn cho người hiếm muộn tránh để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo trên các nền tảng xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của đơn vị hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã được Bộ Y tế cấp phép, phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến hỗ trợ sinh sản.

Yêu cầu các bệnh viện có thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cần rà soát, cập nhật quy trình chuyên môn trong tiếp nhận, khám, tư vấn và thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải đảm bảo do chính nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện theo đúng quy trình đã ban hành. Đảm bảo tất cả nhân sự tham gia hành nghề tại bệnh viện phải được đăng ký, cập nhật với cơ quan quản lý theo quy định.

Sở Y tế khuyến cáo người dân khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau để tránh bị lừa đảo.

Xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trường hợp thực hiện hành vi gian dối mạo danh bác sĩ, cơ sở y tế để nhận tiền, tài sản của bệnh nhân rồi chiếm đoạt thì đối tượng thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Các đối tượng thực hiện hành vi quảng cáo gian dối thu lợi bất chính từ những bệnh nhân vốn đã kiệt quệ vì bệnh tật. Đây là hành vi vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức, coi thường dư luận, bởi vậy cơ quan chức năng cần quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Theo đó, căn cứ Điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang