'Trái bóng' cá nục nhiễm phenol lại được đá về Cục

author 15:21 17/06/2016

(VietQ.vn) - Mâu thuẫn giữa các cơ quan chức năng địa phương về vụ cá nục nhiễm phenol độc hại hay không độc hại vừa qua, càng làm người dân hoang mang.

cn

Một người bạn ở TPHCM lâu ngày rất thèm cá biển nhưng chẳng dám ăn.

Hôm rồi đi xuống Gò Công, Tiền Giang, dự đám ma, bước vào tiệm cơm thấy còn ba lát cá ngừ kho, mừng quá, kêu vét sạch số cá ra cho cả nhóm ăn cơm.

Nói thế để đủ thấy nỗi sợ cá biển của người dân.

Vụ cá nục Quảng Trị nhiễm phenol được mổ xẻ tại cuộc họp chiều 14/6, lại còn cho thấy thêm nhiều thông tin càng không thuận lợi chút nào cho niềm tin người ăn cá.

Cuộc họp do ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo đầu ngành của các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên - Môi trường và sở Công thương...

Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), một lần nữa tái khẳng định: “Phenol là chất độc, với hàm lượng như vừa phát hiện khó gây ngộ độc cấp nhưng đây là chất hấp thu nhanh, khó đào thải. Sử dụng lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tế bào não, gây bệnh tim mạch, ung thư...”

Trong khi đó đại diện Sở Y tế và Sở NN-PTNT đều thừa nhận hiện nay tại Việt Nam chưa có quy chuẩn nào đối với hàm lượng phenol có trong thực phẩm.

Còn ông Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Trị Trần Ngọc Lân cũng cho rằng hiện có rất ít tài liệu nói về vấn đề này, kể cả nước ngoài.

Thực ra, tại trang http://www.atsdr.cdc.gov của chính phủ Hoa Kỳ ghi rõ:

EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ) đã xác định nhiễm phenol trong nước uống ở mức độ cao 6mg/L trong 10 ngày không gây bất kỳ hậu quả gì ở trẻ em.

EPA xác định nhiễm 2mg/L phenol trong nước uống suốt đời không gây ra hậu quả gì.

Điều đó chứng tỏ, đến cả một “nhà khoa học” phụ trách một “sở khoa học” cũng chẳng có chút “nghiên cứu, tham khảo” nào khi đến dự họp.

Cuộc họp còn cho thấy thực tế, sau khi kiểm tra lại thì chỉ có khoảng 20 tấn (thay vì 30 tấn như thông tin trước đó) và được chủ vựa cá mua trong nhiều ngày ngay sau thời điểm cá chết bất thường, cụ thể là chín lần.

“Chúng tôi cũng đặt ra nghi vấn có thể chủ vựa cá thu mua lẫn lộn cá từ sự cố cá chết bất thường”, ông Biên nói.

Một thông tin đáng chú ý, theo Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Thành,  ngay tại thời điểm cá chết (giữa tháng 4), hàm lượng phenol gấp cả trăm lần hàm lượng 0,037 mg/kg phát hiện tại lô cá nục đông lạnh.

Hàm lượng phenol gấp cả trăm lần này là chuyện bây giờ mới kể, và còn hàm lượng gì nữa không, đến nay người dân vẫn đang mòn mỏi chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng cấp cao nhất.

Nhưng điều đáng nói là cuộc họp đã không giải quyết được gì, vì “trái bóng” đã được yêu cầu đá lên Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế.

Câu nói của ông Biên, được báo Thanh Niên dẫn lại chứng tỏ điều đó: “Cái này giờ đã không thuộc thẩm quyền của chúng tôi nữa rồi. Tôi vừa nhận chỉ đạo của T.Ư, khi có kết quả thì Cục An toàn thực phẩm sẽ công bố với dư luận. Còn hiện nay, chúng tôi vẫn niêm phong 20 tấn cá trên và tiếp tục đi kiểm nghiệm mẫu cá tại các kho lạnh khác”.

“Trái bóng cá nục” Quảng Trị vừa được đá lên trên, lại đến phiên Đà Nẵng giật thót mình.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và Công an Thành phố tổng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các lô hàng thủy sản ở các kho lạnh trên địa bàn, theo tin từ báo Lao Động.

Lệnh xét nghiệm khẩn trương, nhưng ngặt nỗi ở địa phương này chỉ có hai phòng xét nghiệm chưa được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện xét nghiệm, theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TP.Đà Nẵng.

Cũng giống như ông bạn sợ cá biển Sài Gòn ai biết từ đâu nhập về, thèm quá ăn đại cá biển Gò Công, chứ người dân miền Trung tiếp tục sợ cá biển.

Trần Bích

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang