Tràn lan quảng cáo sai sự thật, Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI khẳng định kinh doanh bằng ‘cái tâm’?
Hàng loạt cơ sở sản xuất TPBVSK bị xử phạt do vi phạm quảng cáo, ghi nhãn
Công ty cổ phần Sao Thái Dương vi phạm quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hoạt huyết
Thời buổi kinh tế thị trường, cộng đồng doanh nghiệp là mũi nhọn của nền kinh tế. Trong đó mảng sản xuất, kinh doanh về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng ngày càng phát triển mạnh mẽ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
Cần khẳng định rằng việc ra đời các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng đã có những đóng góp nhất định đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, miếng mồi càng béo thì những chiêu trò của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với mục tiêu bán được nhiều sản phẩm, thu về lợi nhuận cao lại xuất hiện ngày càng tinh vi mang đến nhiều thách thức đối với cơ quan chức năng.
Một trong những phương pháp dễ dàng, phổ biến và cũng dễ “phủi tay” nhất chính là quảng cáo. Nếu quảng cáo đúng chất lượng sản phẩm thì hoạt động quảng cáo là cánh tay đắc lực đưa sản phẩm đến gần hơn với người dùng. Nếu quảng cáo “vống” không đúng thực tế thì cánh tay nối dài ấy lại gây hại cho người tiêu dùng.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật khi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng như các loại thuốc chữa bệnh, quảng cáo sai sự thật gây hiểu lầm cho người tiêu dùng đã bị xử phạt, thậm chí tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự,… Trên website của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đều cập nhật rõ tên tuổi, địa chỉ cùng các hành vi vi phạm của doanh nghiệp thể hiện sức răn đe lớn, cũng là địa chỉ “check” thông tin uy tín đối với người dùng.
Để kiểm soát nội dung quảng cáo sai sự thật, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cần chú ý đến không gian mạng. Hiện nay, có nhiều biện pháp xử lý đối với những tên miền, doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo như chặn tên miền quốc tế hoặc xử phạt trong nước. “Chúng ta có thể xếp hạng theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với đó là thống kê, phát hiện xử phạt vi phạm, cần cho những nhãn hàng vi phạm vào "danh sách đen" để cảnh báo đến các đơn vị hợp tác và cả người tiêu dùng” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
CVI Pharma quảng cáo thổi phồng chất lượng sản phẩm?
Gần đây, theo ghi nhận của phóng viên tòa soạn Chất lượng Việt Nam, trên nhiều website cùng mạng xã hội, nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI (phân phối và chịu trách nhiệm về sản phẩm) có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được quảng cáo như những loại thuốc chữa bệnh, với nội dung sai sự thật.
CVI Pharma có địa chỉ trụ sở chính tại: Lô đất CN1-08B-3 Khu công nghiệp công nghệ cao 1 – Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Km 29 đại lộ Thăng Long, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Công ty này có 2 văn phòng đại diện tại miền Bắc và miền Nam. Ông Phan Văn Hiệu là dược sĩ cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI.
Điển hình như sản phẩm Cumar Gold New dù chỉ có tác dụng “Hỗ trợ bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, đau thượng vị, ợ hơi, trào ngược dạ dày, thực quản...”. Tuy nhiên trên trang facebook “Cumar Gold” với hàng nghìn lượt thích, hàng trăm bình luận bên dưới thì sản phẩm này lại được thần thánh hóa như một loại thuốc có tác dụng “Làm lành ổ viêm loét, tiêu diệt 65 chủng HP, chấm dứt trào ngược, triệt để sau 1 liệu trình và không có tác dụng phụ”. Quảng cáo còn khẳng định “Cumar Gold là sản phẩm tốt nhất cho bệnh nhân viêm loét dạ dày, trào ngược, nhiễm khuẩn HP...”, “94,3% người dùng không tái phát lại”,…
Hay như sản phẩm Heposal dù chỉ có tác dụng “Hỗ trợ tăng cường chức năng gan, bảo vệ và phục hồi chức năng gan, giải độc gan trong các trường hợp viêm gan virus B, C, gan nhiễm mỡ, tổn thương gan do rượu bia,…” nhưng trên trang facebook “Heposal - Chăm sóc sức khỏe gan toàn diện”, sản phẩm này được quảng cáo: “98,7% người bệnh gan hài lòng về hiệu quả hỗ trợ điều trị của Heposal; Thị trường không hề thiếu thuốc kháng virus hay các sản phẩm thanh lọc, bổ gan, giải độc. Tuy nhiên, để vừa hỗ trợ ức chế virus siêu vi B, C, vừa ngăn chặn quá trình xơ gan, giảm mỡ gan đồng thời phục hồi gan toàn diện thì thị trường chưa có giải pháp nào qua được Heposal”; “Không phải sản phẩm bổ gan, không phải thảo dược mát gan, Heposal là giải pháp hỗ trợ điều trị chuyên biệt cho bệnh gan mạn tính”; “Heposal an toàn, không tạo gánh nặng cho gan, được bác sĩ khuyên dùng và khuyến khích sử dụng kết hợp với phác đồ Tây y để tăng hiệu quả điều trị”.
Tiếp theo, trang facebook này còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, người tiêu dùng để quảng cáo sản phẩm, khẳng định "tác dụng điều trị hiệu quả cho các bệnh như gan nhiễm mỡ, men gan cao và viêm gan do rượu của sản phẩm Heposal". Nhiều sản phẩm khác do doanh nghiệp này phân phối và chịu trách nhiệm cũng đang được quảng cáo với hình thức tương tự. Theo tìm hiểu của PV, sau các bài quảng cáo, tổ chức kinh doanh thường khuyên người tiêu dùng để lại thông tin hoặc gọi tới số hotline để nghe tư vấn, hay mua sản phẩm sử dụng với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của CVI Pharma ở đâu khi xuất hiện hàng loạt các loại quảng cáo nêu trên? Những quảng cáo “vống” về chất lượng sản phẩm này có phải do chính đội ngũ của CVI Pharma tạo nên nhằm lừa dối người tiêu dùng?
CVI Pharma thừa nhận sai phạm?
Để làm rõ các vấn đề nêu trên, phóng viên tòa soạn Chất lượng Việt Nam đã đặt lịch làm việc với Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI. Trong buổi làm việc, bà Ngọc – đại diện truyền thông CVI Pharma khẳng định: “Là một công ty dược phẩm, CVI đặt chữ tâm, chữ tín, chữ đức lên hàng đầu. CVI thấm nhuần câu nói thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, chỉ là thực phẩm hỗ trợ”.
Tiếp đó, bà Ngọc thừa nhận: “Như chúng ta thấy, trong thời kỳ công nghệ số 4.0, 5.0 thì đâu đó có những thông tin mà bản thân doanh nghiệp kiểm soát chưa được tốt hết vì có những kênh thương mại điện tử, họ sử dụng những thông tin để cuốn hút khách hàng hơn hoặc như thế nào đó... thì phía CVI sẽ thực hiện rà soát lại để sao cho có những điều tiết hoặc chấn chỉnh để chia sẻ đến đội ngũ kinh doanh, bán hàng. Nhưng một lần nữa chị khẳng định CVI kinh doanh bằng cái tâm...”.
Khi phóng viên hỏi đến việc CVI Pharma có ràng buộc hoặc pháp chế gì đối với các đại lý phân phối, các nhà thuốc trong vấn đề quảng cáo, bà Ngọc cho biết sẽ về xin ý kiến lãnh đạo và trả lời sau, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào từ phía doanh nghiệp này!?
Từ câu trả lời của đại diện CVI Pharma có thể hiểu, đơn vị này thừa nhận chưa kiểm soát hết được các quảng cáo liên quan đến các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe do doanh nghiệp này phân phối và chịu trách nhiệm về sản phẩm, đồng thời liên tục nhấn mạnh doanh nghiệp làm việc bằng “cái tâm”.
Xét ở góc độ doanh nghiệp, rõ ràng không có doanh nghiệp nào lại trả lời báo chí rằng mình đặt lợi nhuận lên trên cái tâm làm nghề vì đây vốn dĩ là trả lời về mặt lý thuyết. Xét ở góc độ người dùng, thì chẳng có “cái tâm” nào ở đây thậm chí người tiêu dùng cảm thấy bị lừa dối khi tin quảng cáo mà mua về một sản phẩm không đúng như quảng cáo, đây là về mặt thực tiễn. Nói như vậy để khẳng định trong trường hợp này, “lý thuyết và thực tiễn” còn mâu thuẫn lớn.
Lại nói đến “cái tâm”, chắc hẳn bạn đọc còn nhớ thời điểm bão Yagi vừa qua, nhiều tiktoker lên mạng khoe làm từ thiện ủng hộ bằng “cái tâm” với số tiền hàng trăm triệu chuyển đến tài khoản của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Nhưng với nước đi công khai sao kê không ai ngờ đến của Mặt trận Tổ Quốc khiến cho nhiều tiktoker phải hổ thẹn buộc “đăng đàn” xin lỗi cộng đồng mạng vì thực tế chỉ ủng hộ vài trăm nghìn đồng. “Cái tâm” trong những trường hợp nêu trên còn tối nghĩa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại rằng, nếu một doanh nghiệp không làm nghề bằng cái tâm thật sự thì thật khó cạnh tranh và việc bị đào thải trên thương trường cũng là cái kết một sớm một chiều.
Trở lại vấn đề, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm từng chia sẻ, hành vi quảng cáo sai phạm về thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên môi trường mạng Internet đang có xu hướng gia tăng. Có trường hợp doanh nghiệp không thừa nhận hành vi quảng cáo vi phạm mà đổ lỗi cho đại lý người bán sản phẩm của công ty đó tự thực hiện quảng cáo trên một số website, facebook… nhưng “thông thường, không ai hơi đâu mà tự dưng đi quảng cáo không công và quảng cáo sai phạm cho sản phẩm không phải của họ” - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu quan điểm, đồng thời khẳng định, cơ quan chức năng sẽ truy đến cùng các sai phạm để xử lý.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tòa soạn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra và làm rõ nội dung trên. Nếu có việc doanh nghiệp cùng các đại lý quảng cáo sai công dụng nhiều sản phẩm do CVI Pharma phân phối và chịu trách nhiệm cũng cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Xét theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng nêu rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
Thanh Tùng