Tràn lan thuốc bổ hậu COVID-19: Người dùng lạc giữa ‘ma trận’

author 18:50 19/03/2022

(VietQ.vn) - Lo sợ hậu COVID-19 sẽ gây tổn thương phổi, nhiều người đã tìm tới các sản phẩm quảng cáo bổ phổi, gắn mác hàng xách tay để sử dụng. Trước thực trạng này, chuyên gia y tế cảnh báo nếu nghe theo lời đồn thổi tự sử dụng thuốc sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Thuốc bổ phổi có bổ phổi không?

Theo ghi nhận của PV trên chợ mạng có nhiều cá nhân đăng bán thuốc bổ phổi hậu COVID-19 với xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... những loại thuốc này được giới thiệu có tác dụng bổ phổi, điều trị hậu COVID-19, do đó thu hút số lượng lớn người mua.

Cụ thể, nick name “Vân Mây” đăng bán thuốc bổ phổi Kobayashi xuất xứ Nhật Bản. Theo người này, Kobayashi là thuốc bổ số 1 Nhật Bản, được chiết xuất từ 16 loại thảo dược có công dụng long đờm, bổ phổ, hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp cấp mãn tính, tăng cường cho những người phổi yếu và suy nhược, loại bỏ cặn bẩn niêm mạc phổi và giúp phế quản thông sạch hít thở dễ dàng hơn. Sản phẩm này được giới thiệu dùng cho người trên 15 tuổi, ngày uống 10 viên/2 lần, uống trước ăn hoặc giữa các bữa ăn bằng nước ấm.

 Nhiều cá nhân không phải bác sỹ, dược sỹ vẫn đăng bán thuốc bổ phổi trên mạng.

Địa chỉ khác cũng đăng bán thuốc bổ phổi Swisse Lung Health Support. Loại thuốc này được giới thiệu là sản phẩm tốt nhất ở Úc mà F0 nào cũng cần dùng hậu COVID-19. Thuốc này có tác dụng bảo vệ phổi, bổ phổi, kháng viêm đường hô hấp... Ngoài ra ngăn ngừa nhiễm độc trong các trường hợp: hay mắc bệnh về phổi, hút thuốc lá, uống bia rượu, tiếp xúc với môi trường độc hại, thức ăn và đồ uống có nhiều chất bảo quản...

Hay thuốc bổ phổi của hãng Ilshim Pharm xuất xứ Hàn Quốc cũng được nhiều cá nhân rao bán trên mạng. Theo quảng cáo, bị nhiễm bệnh không đáng sợ bằng hậu COVID-19, bởi vậy, mỗi người nên sử dụng thuốc để phục hồi chức năng phổi. Những trường hợp đang bị F0 càng nên uống vì thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19.

Thuốc Ilshim Pharm được giới thiệu có công dụng kháng khuẩn và chống viêm phổi, giảm các triệu chứng hô hấp của cảm lạnh, bảo vệ phổi, ngăn ngừa tổn thương phổi... dùng cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Sản phẩm này được bán với giá 1299 nghìn đồng/1 hộp 180 gói.

Theo ghi nhận của PV, hầu hết thuốc bổ phổi bán trên mạng bao bì đều ghi chữ nước ngoài, không có nhãn mác, tem phụ Tiếng Việt. Số đông người bán hàng đều không phải bác sỹ hay dược sỹ, họ coi đây là mặt hàng "hot" mùa dịch, bán cùng các loại mỹ phẩm, đồ gia dụng. Do đó, người mua chỉ sử dụng theo hướng dẫn của người bán, còn chất lượng hay thuốc có phải hàng chính hãng hay không thì lại tù mù không biết.

Chị Nguyễn Thị T. (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, hậu COVID-19, chị vẫn còn triệu chứng ho và khó thở. Lo lắng bị tổn thương phổi nên chị đã lên mạng mua thuốc bổ phổi về cho cả gia đình sử dụng mà không qua tham vấn ý kiến bác sỹ. “Tôi tìm mua sản phẩm trên mạng chứ không phải mua trực tiếp. Bao bì toàn tiếng Nhật, tôi không biết sử dụng nên được người bán hướng dẫn. Tôi cũng không rõ có phải hàng chính hãng không”, chị T. chia sẻ.

Không khó để tìm mua các loại thực phẩm chức năng này, chỉ cần gõ từ khóa "thuốc bổ phổi" trên Facebook, người dân có thể tìm thấy rất nhiều loại từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc... Hầu hết chúng được quảng cáo dành cho người muốn hồi phục, giải độc phổi sau khi khỏi COVID-19.

Không có thuốc tên “bổ phổi”

Theo bác sĩ Dương Văn Trung, thuốc bổ là các loại có thành phần vitamin, chất khoáng, axit amin... Các thuốc này có tác dụng bổ sung vi chất, làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể.

Những ngày đầu mới nhiễm nCoV, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao. Sau đó, chúng làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 bị viêm cả 2 lá phổi.

 Đủ loại thuốc bổ phổi bán tràn lan trên mạng, người tiêu dùng cần cảnh giác.

Sau giai đoạn một, nếu hệ miễn dịch bệnh nhân đủ khỏe, sẽ hồi phục dần. Nếu yếu, bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là phổi tổn thương nặng và tiếp tục lan rộng dẫn tới suy hô hấp cấp tính (thở nhanh, khó thở, tím tái…). Như vậy, SARS-CoV-2 xâm nhập vào phổi ảnh hưởng trực tiếp đến các phế nang, là nơi trao đổi khí.

Sau COVID-19, chức năng phổi có thể sớm trở lại như bình thường, sau 6 tháng hoặc kéo dài hơn nữa, thậm chí có tổn thương không hồi phục.

"Cách phục hồi phổi tốt nhất chính là liệu pháp tập thở, giúp cho phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất. Các bài tập tôi thường khuyên bệnh nhân thực hiện là thở ngực, thở bụng... Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng tốt và luyện tập thể thao tùy theo sức khỏe của mỗi người. Thực tế, không có thuốc nào là bổ phổi hậu COVID-19. Người dân nên cẩn trọng, tránh tiền mất tật mang", TS Dương Văn Trung nói.

Ông nhấn mạnh thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi". Người dân bổ sung dư thừa, không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể. Nếu sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân vẫn bị ho nặng kéo dài, tức ngực, mất ngủ, khó thở, suy nhược thì nên đến bệnh viện khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, để khắc phục tình trạng xơ phổi, người bệnh phát hiện sớm, quản lý sức khỏe ngay từ giai đoạn đầu. Tập thể dục thường xuyên, bổ sung dinh dưỡng, bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh,... là cách để khắc phục xơ phổi trong một chặng đường dài.

Tóm lại, xơ phổi hậu COVID-19 cũng tương tự như tình trạng viêm phổi do các virus khác gây nên. Đó là di chứng tất yếu sau viêm phổi, thông thường, 80% bệnh nhân hồi phục từ 6 tháng đến một năm. “Hàng ngày, tôi khám nhiều bệnh nhân sau COVID-19, hầu hết họ khỏe mạnh. Tuy nhiên, không ít trường hợp biết mình bị xơ phổi dễ hoảng loạn, nghe theo lời đồn thổi tự điều trị, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", bác sĩ Phúc nói.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang