Tránh lạm dụng nước thanh nhiệt từ cây cỏ vì có thể gây hại sức khỏe

authorNgọc Nga 06:26 26/06/2019

(VietQ.vn) - Mùa hè nhiều người thường lựa chọn dùng các loại nước thanh nhiệt từ cây cỏ. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng vì có thể sẽ gây phản tác dụng.

Báo VnExpress đưa tin, theo quan niệm của y học cổ truyền, “nhiệt” là một trong những nguyên nhân gây bệnh thường gặp vào mùa hè, nhiệt nặng hơn được gọi là “hỏa”. Nhiệt được tạo nên từ nhiều nguồn: Từ ngoài là do ngoại tà xâm nhập bên trong cơ thể mà hóa sinh, đặc biệt là hai nhân tố thử và thấp thường gặp vào mùa hè. Tính chất của nhiệt là nóng bức, dễ gây hao tổn tân dịch và hình thể.

Tùy theo vị trí tác động mà nhiệt tạo nên các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau như: Nhiệt tích ở da (bì phu) gây mụn nhọt, lở loét; nhiệt tích ở đường hô hấp (phế tạng) gây đau họng, viêm khí phế quản, viêm phổi..., nhiệt tích ở đường tiêu hóa (tỳ, vị, đại tràng) gây tưa lưỡi, loét miệng, viêm dạ dày, loét hành tá tràng, táo bón, trĩ hạ...

 Giải nhiệt bằng cách uống những loại thảo dược từ cây cỏ nên thận trọng

Để giảm nhiệt, hiện nay nhiều người thường lựa chọn những loại nước uống từ cỏ cây. Phổ biến trong dân gian là nước uống mát giải nhiệt. Nồi nước mát thường gồm những nguyên liệu tươi với 3 khúc mía lau, một ít rễ cỏ tranh, cây ngò già có hạt (cây mùi), lá dứa thơm, râu bắp, mã đề, bọ mắm (thuốc dòi), cây lẻ bạn, đường phèn, một ít muối.

Các loại cây lá trên được ngâm nước, rửa cho sạch đất, cuốn lại thành bó hoặc có thể cắt khúc. Mía lau đập dập. Tất cả cho vào nồi, cho nước, một chút muối, đường phèn và nấu chung với nhau. Đun lửa lớn đến khi sôi thì đun lửa nhỏ trong 20-30 phút. Sau đó lọc bỏ xác, lấy nước dùng uống trong ngày hoặc 1-2 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Liên quan tới vấn đề này, báo Sức Khỏe & Đời sống dẫn thông tin từ bác sĩ Thanh Hà cho biết, những loại thảo mộc khi kết hợp nấu thành thức uống có công dụng tiêu trừ cảm giác bứt rứt trong người, miệng khô, ra mồ hôi trộm, giúp cơ thể tăng lọc, đưa các chất cặn bã có hại ra ngoài, làm mát, lợi tiểu… Những công dụng ấy trong Đông y gọi là thanh nhiệt. Tuy nhiên vì là thuốc nam dân gian, nhiều người chưa hiểu được tác dụng của từng loại cây thuốc nên chế biến theo kinh nghiệm, sở thích dẫn đến tác dụng và hiệu quả không cao.

Các loại nước như nước trà xanh, nước nụ hoặc lá vối, nước nhân trần, nước la hán, nước chó đẻ răng cưa, nước rau má, nước chè vằng, nước mía, nước cỏ ngọt, nước râu ngô, nước cúc hoa, nước hoa hòe, nước quả dứa dại, nước mạch môn, nước đậu đen sao cháy, nước khổ qua, nước bí đao... là thức uống bổ dưỡng trong mùa hè, rất tốt với những người có thể chất “thiên nhiệt”.

Người ta có thể dùng độc vị hoặc có thể dùng một vài vị phối hợp với nhau để tạo nên những thứ nước giải khát thơm ngon, dễ uống và làm tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, mát gan như hoa hòe với cúc hoa, đậu đen với mạch môn, nụ vối với la hán, râu ngô với quả dứa dại..., thậm chí có thể phối hợp khá nhiều vị với nhau để tạo nên các loại trà tam bảo, ngũ bảo, bát bảo rất hấp dẫn.

Tự ý đắp lá chữa ung thư chẳng khác nào mang thêm họa vào thân(VietQ.vn) - Do nghe lời mách bảo truyền tai nhau, không ít người đã tự lấy lá không rõ nguồn gốc hoặc nghe lời "thầy lang vườn" để điều trị ung thư rồi tự rước họa vào thân.

Theo nghiên cứu hiện đại, các cây cỏ này đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở các mức độ khác nhau. Mỗi loại có các tác dụng riêng biệt như nước hoa cúc làm hạ huyết áp, nước hoa hòe làm bền vững thành mạch máu, nước rau ngô và dứa dại lợi tiểu và làm tan sỏi đường tiết niệu, nước mạch môn, rau má và đậu đen bảo hộ tế bào gan, nước nụ vối kích thích tiêu hóa...

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh Hà, dù là thực phẩm đi nữa khi sử dụng các loại nước giải khát, thanh nhiệt này cũng cần phải dùng đúng liều lượng, tránh lạm dụng quá mức, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng. Nếu có dùng cam thảo để tạo nên vị ngọt, dễ uống thì tuyệt đối không dùng quá nhiều, thông thường mỗi ấm trà chỉ cho vài ba lát là được.

Sau những bữa ăn có nhiều đồ sống lạnh thì nên giảm lượng các loại nước uống này để tránh gây rối loạn tiêu hóa. Khi chọn mua các cây cỏ này ở dạng khô thì phải tránh thứ bị ẩm mốc và đã để quá lâu. Tốt nhất nên mua đồ tươi về nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần. Không nên uống các loại nước này quá nhiều vào buổi tối.

Ngọc Nga (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang