Trẻ có thể bị bỏng khi xông hơi phòng COVID-19, cha mẹ tránh lạm dụng

author 13:36 25/02/2022

(VietQ.vn) - Hiện nay tình trạng trẻ mắc COVID-19 ngày càng gia tăng. Để cải thiện tình trạng sức khỏe nhiều cha mẹ lạm dụng xông hơi cho trẻ gây ra nhiều rủi ro.

Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, hiện nay đơn bị đang tích cực chữa trị cho hai bệnh nhi bị bỏng do xông hơi bằng nước lá để phòng COVID-19.

Trường hợp thứ nhất là bé N.T.K. (4 tuổi, quê huyện Tân Kỳ, Nghệ An), được mẹ mua lá về xông cho cả nhà. Trong lúc mẹ bé K. bế vào lòng để cùng xông thì em bé ưỡn người lên làm nghiêng nồi xông nóng rực lên bé. Bé K. nhập viện bị tổn thương bỏng vùng ngực, đùi trái, tay trái.

Trước đó, em V. (14 tuổi, TP Vinh) trong lúc xông hơi ở nhà cũng bất cẩn vướng vào quai nồi. Nước lá xông vừa sôi đã đổ xuống chân khiến em bị bỏng. Ngay sau đó V. được gia đình đưa đến cơ sở y tế sơ cứu, rồi tiếp tục tới thầy lang đắp thuốc. Tuy nhiên, tình trạng của V. không đỡ, vết bỏng ngày càng sưng nề, chảy dịch đục, gây đau đớn nhiều mới được chuyển vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An điều trị.

Không nên lạm dụng xông hơi cho trẻ vì có thể bị bỏng. Ảnh: Tuổi Trẻ 

Tại bệnh viện các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da tạo hình vạt che phủ, điều trị phác đồ bỏng chuyên sâu. Nhờ đó hiện sức khỏe của các bé đã ổn định.

Thông tin về trường hợp trên, bác sĩ Thái Văn Bình - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An - khuyến cáo trẻ bị bỏng cần được sơ cứu đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên, bởi nếu xử lý sai cách thì tổn thương bỏng chuyển độ sâu, nhiễm trùng, sẽ để lại các di chứng.

Đặc biệt, các bậc phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Ngoài trẻ em, các bác sĩ cho hay người già yếu, mắc bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể cũng không được tùy tiện xông hơi một mình mà cần người hỗ trợ. Trong quá trình xông, nếu choáng váng, khó thở, tức ngực... cần ngưng xông ngay.

Cách xông và chọn tinh dầu đúng

Về xông phòng ở, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM khuyến cáo có thể sử dụng các loại tinh dầu thực vật như: tràm, quế, bạc hà, chanh, bưởi... hoặc các loại lá có tinh dầu: chanh, sả, bưởi, ngũ sắc, ngũ trảo...

Dùng bếp từ cá nhân hoặc bếp hồng ngoại để đun, bắc nồi nhỏ với lượng nước vừa đủ, nhỏ 5 - 10 giọt tinh dầu, đun sôi để tinh dầu tỏa trong phòng, đồng thời người bệnh ngồi trong phòng đóng kín cửa từ 5 - 10 phút, ngày làm từ 2 - 3 lần.

Về cách xông mũi: dùng nồi nấu lá có tinh dầu hay các loại tinh dầu nấu sôi, trùm lên mặt xông, thời gian xông khoảng 15 - 20 phút. Các loại lá có tinh dầu có thể chọn lựa: lá lốt, lá trầu, lá trà, lá ngũ sắc, lá bạch đàn, tỏi, sả, bồ kết, gừng, lá bưởi... Tinh dầu có thể chọn tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang