Trên 31.000 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và nhập lậu bị tiêu hủy

author 10:04 25/02/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 của tỉnh Bắc Ninh mới đây đã tiến hành tiêu hủy trên 31.000 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và nhập lậu.

Tiêu hủy nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại trụ sở Đội quản lý thị trường số 3, Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu do Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh chủ trì đã họp và tiến hành tiêu hủy trên 31.000 sản phẩm hàng hóa gồm quần áo, giầy dép giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Dior, Burberry, Gucci, Nike…; dây cấp nước giả nhãn hiệu INAX, K.WOO; đàn guitar giả nhãn hiệu YAMAHA; mỹ phẩm nhập lậu và đặc biệt trong lần tiêu hủy này có gần 27.000 con dao bằng thép nhãn hiệu KIWI-BRAND STAINLESS STEEL. Lô hàng tiêu huỷ có tổng trị giá 350 triệu đồng.

 Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh tiến hành tiêu hủy nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Hải Nam

Tham gia Hội đồng tiêu hủy do Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh chủ trì có lãnh đạo Cục, đại diện các phòng ban trong Cục, đại diện Sở Tài chính, Viện kiểm sát và Công an tỉnh Bắc Ninh.

Dưới sự giám sát của các thành viên Hội đồng và các đơn vị liên quan, toàn bộ tang vật tiêu huỷ sau khi được dùng các biện pháp cơ học để làm hỏng, không còn giá trị sử dụng đã được chuyển đến đốt tại lò đốt rác thải của Nhà máy xử lý, tái chế chất thải dân dụng và công nghiệp – Công ty cổ phần môi trường Thuận Thành theo đúng quy trình quy định của pháp luật.

Việc tiêu hủy các hàng hóa này nhằm xử lý nghiêm vi phạm, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bổ sung quy định xử phạt hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đề xuất bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý...

Về hành vi vi phạm: Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo và hàng hóa, dịch vụ có gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại (Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14) đảm bảo phù hợp với Luật Hải quan năm 2014. Đồng thời, quy định này cũng đảm bảo phù hợp với cam kết tại CPTPP và EVFTA.

Sửa đổi nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp từ “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng” thành “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng” (Điều 6) để phù hợp tính chất của hành vi vi phạm và thống nhất với các hành vi có tính chất, mức độ vi phạm tương tự trong Nghị định 99/2013/NĐ-CP;

Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi sản xuất hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (Điều 11, Điều 12) để đảm bảo sự thống nhất giữa các điều luật, đồng thời thuận lợi, rõ ràng hơn trong áp dụng pháp luật. Cụ thể: quy định rõ “Sản xuất bao gồm: Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp”.

Về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Điều 3 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và thực tiễn áp dụng.

Cụ thể, đối với quy định về hình thức xử phạt bổ sung tại khoản 2 Điều 3: (i) sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thành “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý đối với các hành vi quy định tại Điều 12 của Nghị định”; (ii) sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trường hợp lỗi cố ý, tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả nghiêm trọng;

Đối với quy định về biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 3 Điều 3: (i) Sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng biện pháp buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; (ii) bỏ quy định về biện pháp buộc tái xuất và biện pháp buộc tiêu hủy đối với phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; (iii) đồng thời bổ sung thêm các quy định: “Trong trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất, tuy nhiên không thể buộc tái xuất được, thì áp dụng biện pháp buôc tiêu hủy” và “Buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trong trường hợp hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường”;

Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, cụ thể sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu của các khoản quy định về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả thuộc các Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 theo hướng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, trường hợp không áp dụng phải nêu rõ lý do. Theo đó cho phép người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính căn cứ tính chất, mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân, để áp dụng một hoặc nhiều hoặc không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp.

Việc sửa đổi nêu trên để phù hợp với nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn áp dụng. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung cũng ngăn chặn hiểu nhầm rằng mỗi hành vi vi phạm đều phải áp dụng tất cả các hình thức xử phạt bổ sung và các khắc phục hậu quả, gây lúng túng và vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Bổ sung Điều 15a quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhằm xác định cụ thể người có thẩm quyền làm căn cứ để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa được đề cập trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã quy định cụ thể trong Nghị định);

Sửa đổi, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP. Cụ thể là quản lý thị trường tại Điều 18 (cụ thể là: Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường), Hải quan tại Điều 19 (Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội điều tra hình sự; Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ), Công an tại Điều 20 (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC năm 2020 do thay đổi về tổ chức, hoạt động và tên gọi;

Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh thành có giá trị không vượt quá “02 lần” mức tiền phạt tại điểm c khoản 1, điểm d khoản 2, điểm d khoản 4 của Điều 16; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2, điểm d khoản 4 của Điều 17; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2 của Điều 18; điểm c khoản 2, điểm d khoản 3 của Điều 19; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 của Điều 20; điểm d khoản 1 của Điều 21, ngoại trừ các chức danh có thẩm quyền xử phạt tối đa cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật XLVPHC năm 2020.

Về quy định chung và trình tự, thủ tục xử lý vi phạm: Bổ sung Điều 2a vào sau Điều 2 Quy định thời hiệu xử phạt và vi phạm hành chính nhiều lần tại Nghị định nhằm cụ thể quy định điểm a khoản 4 Điều 1 và điểm d khoản 2 Điều 1 Luật số 67/2020/QH;

Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền yêu cầu của chủ thể quyền và thỏa thuận giữa các bên trong quá trình giải quyết vụ việc về sở hữu công nghiệp tại Khoản 1 Điều 27 để phù hợp hơn với bản chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang