Trình độ càng cao, thất nghiệp càng nhiều

author 07:04 09/10/2016

(VietQ.vn) - Một nghịch lý không hề nhỏ đang diễn ra, đó là người lao động có trình độ càng cao thì nguy cơ...thất nghiệp càng lớn

Cần đánh giá lại thành tích

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Các vấn đề xã hội (CVĐXH) của Quốc hội diễn ra sáng qua (7/10), đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho rằng, 9 tháng qua, các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, đào tạo nghề cũng như giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. 

Đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo, tỉ lệ lao động qua đào tạo đều ước đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 3,23%, khu vực nông thôn là 1,82%, ước thực hiện đến cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo cả nước ước giảm xuống còn 8,62 đến 8,42%.

Theo đánh giá của các thành viên Ủy ban CVĐXH, các con số nêu trên cho thấy một bức tranh xã hội, lao động việc làm, an sinh xã hội có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ vẻ băn khoăn về tính chính xác của các con số nói trên và đề nghị Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cần giải trình làm rõ hơn căn cứ của các số liệu đã nêu nhằm đánh giá đúng thực chất tình hình giải quyết lao động, việc làm, giảm nghèo hiện nay cũng như các giải pháp tập trung thực hiện trong các tháng cuối năm. Trên cơ sở đó mới có thể xác định được mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2017 để bố trí nguồn lực thực hiện.

Chứng minh cho những nhận định trên, đại biểu Đỗ Thị Lan, thành viên Ủy ban CVĐXH dẫn chứng: ngành than là ngành giải quyết một lượng lớn lao động, nhưng trong năm nay, ngành than gặp nhiều khó khăn, không cạnh tranh được với than nhập khẩu. Báo cáo gần nhất, ngành than giảm hàng vạn lao động và vẫn tiếp tục giảm. Trong khi đó ngành dầu khí cũng giảm giá và giảm sản lượng.

Ngoài ra, sau sự cố môi trường biển miền Trung, lao động trong lĩnh vực nghề cá, du lịch đã giảm sút đáng kể. Thêm vào đó, các doanh nghiệp phục hồi nhưng chưa bền vững để có thể đạt yêu cầu giải quyết việc làm cho người lao động. “Chúng ta thực hiện tinh giản, tổ chức biên chế, giảm 10 và chỉ tuyển lại 5 thôi, do vậy những lao động qua đào tạo đại học, cao đẳng rất khó tìm được việc làm.

Vấn đề nữa là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chúng tôi nghĩ rằng cũng chưa khả thi nhiều do việc xuất khẩu của chúng ta chưa bền vững. Đánh giá trên nhiều lĩnh vực, tôi thấy rằng việc giải quyết việc làm cho lao động hiện nay, cùng với các chỉ tiêu về lao động, thất nghiệp là chưa có cơ sở”, bà Lan phân tích. 

Cùng chung quan điểm, các đại biểu Nguyễn Anh Trí và Nguyễn Quang Tuấn, thành viên Ủy ban CVĐXH của Quốc hội cho rằng, đào tạo hiện nay đang không theo thị trường mà theo thị hiếu và lợi nhuận. Chính bởi vậy đang có khoảng cách giữa đào tạo theo hướng tự phát của cá nhân lựa chọn, của các trung tâm đào tạo và thị trường lao động. Khoảng cách này ngày càng lớn dẫn đến việc tốn nhiều tiền, thời gian để đào tạo nhưng lại thiếu những lao động thực sự có khả năng làm việc. 

Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Tuấn, các đơn vị đào tạo, trường đại học phải hướng về doanh nghiệp và nhu cầu của nhà tuyển dụng để đào tạo. “Chất lượng đào tạo hiện nay chủ yếu theo số lượng, nó liên quan đến doanh thu, thu nhập của các đơn vị đào tạo nên sản phẩm đầu ra không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng”, ông Tuấn nêu thực trạng và đề nghị “đây là những vấn đề chúng ta cần phải xem lại”.

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. (PLVN) 

Không sử dụng biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính

Cũng trong ngày 7/10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2 thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; cho ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. 

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Với một Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, trong sạch và liêm chính, những tháng qua, nền kinh tế nước ta đã tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước. Tính chung 9 tháng năm 2016, GDP ước tăng 5,93%; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Các nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại thu được nhiều kết quả tích cực…

Đặc biệt, Chính phủ đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển…

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, nhưng các ý kiến cũng cho rằng, Báo cáo chưa nêu bật một số vấn đề bức xúc của xã hội được dư luận quan tâm hiện nay như: ô nhiễm môi trường; an toàn thực phẩm; phá rừng; cải cách thủ tục hành chính; xâm nhập mặn; xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng…

Về giải pháp phát triển kinh tế -xã hội năm tới, đại biểu Lê Minh Chuẩn (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị đẩy mạnh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu như điện, nước…Không sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới “méo mó” thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách và giảm hiệu quả điều hành của các công cụ là chính sách tiền tệ, tài khóa.

Đặc biệt, phải thận trọng với tăng trưởng của thị trường bất động sản, dự trù phương án ngăn chặn sự hình thành bong bóng bất động sản mang tính chu kỳ. Nhiều đại biểu cũng lưu ý, Chính phủ nên chọn một số nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong năm 2017 cũng như trong giai đoạn 2016 - 2020. Chọn ít nhiệm vụ ưu tiên, song sẽ thực hiện tập trung và có quyết tâm cao để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra. 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các thành viên Ủy ban Kinh tế cần tập trung xem xét, đánh giá, phân tích kỹ báo cáo của Chính phủ. Dự kiến, tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế (tăng một ngày so với thông lệ các kỳ họp trước); đồng thời tăng tính thảo luận, tranh luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, tìm ra giải pháp, tạo sự đồng thuận cao trước khi đưa vào Nghị quyết của Quốc hội. 

Theo Pháp Luật Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang