Trung thu: Tết của người lớn?

author 09:29 17/09/2012

(VietQ.vn) - Vài năm trở lại đây, Tết Trung thu với những biến tướng của nó đang dần vượt qua khuôn khổ là ngày tết dành cho trẻ con để trở thành… tết của người lớn.

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Trung thu trong ký ức

Tết Trung thu trong ký ức của nhiều người là những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao, những chiếc bánh dẻo, bánh nướng… Không giống với những lễ hội khác, Trung thu có một nét đặc thù riêng ở màu sắc, không khí và những đồ vật trang trí riêng biệt. Tất cả tạo nên một sự thân quen, ấm cúng trong sum họp của gia đình.

Đối với trẻ con, đêm Trung thu còn đặc biệt ý nghĩa. Đây là dịp các em được ông,  bà, bố, mẹ tặng đồ chơi, bánh kẹo…

Có lẽ, trong ký ức tuổi thơ của mỗi người không thể nào quên được tiếng trống tưng bừng, tiếng cổ vũ reo hò các đội múa lân, múa sư tử và tiếng cười rộn rã vào đêm phá cỗ trông trăng.

Đèn ông sao - đồ chơi phổ biến mùa trung thu giờ thay đổi nhiều về mẫu mà và ít thấy. Ảnh: Minh họa
Đèn ông sao - đồ chơi phổ biến Tết Trung thu trước đây giờ đang dần bị thay thế bởi các loại đèn hiện đại khác. Ảnh: Minh họa

Trong ngày hội đêm rằm, các em rất háo hức được cùng với chị, với mẹ chuẩn bị mâm cỗ trung thu. Trên mâm cỗ được chuẩn bị với đầy đủ các loại hoa quả như: hồng ngâm, hồng đỏ, bưởi, na chín, ổi, thị, bánh nướng, bánh dẻo… Xung quanh được trang trí bởi rất nhiều đèn ông sao, ông “Tiến sỹ Giấy”, ông “Phỗng”... mang ý nghĩa giáo dục và hướng thiện.

Trung thu trong ký ức cũng không phải đâu xa, cũng chỉ cách đây khoảng hơn chục năm thôi. Lúc đó, từ bàn tay khéo léo của chị, của mẹ, các loại hoa quả được “biến hóa” thành những con vật ngộ nghĩnh. Một chú chó xù làm bằng tép bưởi được gắn hai hạt đậu đen làm mắt, xung quanh được trang trí bởi nhiều loại hoa được cắt tỉa từ những trái cây như hồng, ổi…

 

Trung thu xưa, đồ chơi của trẻ chưa được bày bán nhiều, phần lớn là từ anh chị, ông bà và bố mẹ khéo léo tự tay làm. Lan Anh, sinh viên Đại học Ngoại thương nhớ lại: “Hồi bé, mình được ông làm cho những chiếc đèn ông sao năm cánh, chiếc mặt nạ bằng bìa giấy rất đẹp, ở bên ngoài còn được trang trí bằng các nhân vật trong cổ tích. Vào đêm trung thu mấy chị em còn rủ nhau đi rước đèn bằng những chiếc đèn lồng làm bằng hộp xà phòng, đúng là tuổi thơ vui thật”.

 

Không khí trung thu giờ cũng khác xưa nhiều, nhớ lại trung thu xưa, bác Tuấn một người dân gốc Nam Định, hiện đang sống tại Cầu Giấy, Hà Nội kể: “Trước đây gia đình không có điều kiện để mua đồ chơi cho con. Do vậy, trước trung thu nhiều ngày, tôi thường đi gom các hạt bưởi về, sau đó bóc vỏ, phơi khô xiên vào sợi dây thép. Vào đúng hôm rằm, đốt những chuỗi hạt này lên cho con chơi, bọn trẻ con trong xóm đều rất thích thú khi xem những tiếng lách tách, các tia lửa bé phát ra đặc biệt là mùi thơm của vỏ bưởi”.

Trung thu nay biến chất?

Cuộc sống hiện nay bận rộn, đầy đủ hơn so với trước đây, do vậy nhiều thói quen dành cho ngày trung thu đang dần được “rút gọn” đi. Không khí chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu, trông trăng, phá cỗ không còn được nhộn nhịp như trước. Người lớn thờ ơ, trẻ nhỏ cũng không háo hức, mong đợi quá nhiều đến ngày rằm tháng tám như xưa.

Ở Hà Nội, trên nhiều tuyến phố, không khí mua bán chuẩn bị cho ngày trung thu đang tấp nập, tuy nhiên các mặt hàng bày bán đã thay đổi nhiều so với trước. Đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, đèn kéo quân giảm đi nhiều, thay vào đó là các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc tràn ngập như: đồ chơi điện tử, mặt nạ ác quỷ, siêu nhân, súng, kiếm… Đang mải mê chọn đồ chơi trên con phố hàng Mã, bé Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khoe: “Tết Trung thu này bố mẹ thưởng cho cháu một bộ đồ chơi trung thu, cháu chỉ thích đồ chơi siêu nhân thôi”.

Đồ chơi cho mùa trung thu phổ biến hàng Trung Quốc. Ảnh: Minh họa
Đồ chơi cho mùa trung thu phổ biến hàng Trung Quốc. Ảnh: Minh họa

Mâm cỗ đêm rằm cũng không còn được chú trọng. Phần vì thời gian hạn hẹp, mặt khác do trẻ em hiện nay khá đầy đủ về vật chất, nên không còn phải đợi đến đúng hôm phá cỗ mới được ăn những chiếc bánh dẻo hay bánh nướng. Địa điểm vui chơi của trẻ trong những ngày này cũng đa dạng, hấp dẫn hơn. Các rạp chiếu phim, công viên, rạp xiếc… trở thành những địa điểm lý tưởng mà các bậc phụ huynh hay lựa chọn.

Đặc biệt, trung thu ngày nay không chỉ dành riêng cho trẻ con, mà đây là dịp để người lớn thể hiện lòng tri ân, “tấm lòng” của mình với các sếp, các lãnh đạo. Những dòng bánh Trung thu cao cấp ngày một nhiều như các hãng Kinh Đô, Hữu Nghị, Long Đình với những sản phẩm lên tới tiền triệu. Các loại bánh của khách sạn 5 sao, nhà hàng cao cấp với nhân yến sào, vi cá mập, đông trùng hạ thảo… cũng được nhiều người lựa chọn.

Chị Hương, nhân viên một công ty truyền thông cho biết: “Mọi người trong phòng ai cũng mua quà tặng sếp dịp này, nên mình cũng không thể ngoại lệ được. Mà tặng sếp thì không thể tặng đồ ít tiền được, cũng phải mua những hộp lịch sự, sang trọng một chút”.

Những hương vị Tết Trung thu ngày nay đã bị phai nhạt đi rất nhiều, không còn bắt gặp trẻ con chạy khắp phố xem múa lân, múa sư tử hay cầm những chiếc đèn ông sao, đèn lồng giấy như trước nữa. Đúng như lời nhà văn Băng Sơn từng nói: “Cuộc sống hiện đại ở thế kỷ 21, chúng ta hội nhập, tiếp thu tinh hoa của văn hoá thế giới để phát triển con người và xã hội. Thế nhưng… chúng ta lại tiếp thu quá nhiều. Những thói quen và lối sống mới ảnh hưởng rất nhiều từ văn hoá phương Tây nên dần dần chúng ta đã mất đi nhiều nét văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc. Tết Trung thu xưa và nay, thay đổi quá nhiều!”.

Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang