Trước thềm ĐHCĐ Eximbank: Ai là người ‘cầm trịch’ sau cuộc chiến giành ‘ghế nóng’?

author 11:19 11/04/2019

(VietQ.vn) - Cuộc chiến giành ‘ghế nóng’ tại Ngân hàng Eximbank không còn xa lạ nhưng phía sau chuyện “lùm xùm” nhà băng này vẫn luẩn quẩn câu hỏi cá nhân nào, nhóm nào, ai là người cầm trịch?

Sự kiện: Doanh nghiệp

Theo dự kiến hồi đầu năm, phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; EIB) dự kiến được tổ chức ngày 26/4. Tuy nhiên, có một diễn biến gần như đã trở thành "điệp khúc", trước thềm diễn ra ĐHCĐ, nội bộ Eximbank lại xảy ra lục đục, bất đồng. Trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, chưa một nhà băng nào mà cuộc “chiến” giành “ghế nóng” lại diễn ra quyết liệt, dai dẳng như Eximbank.

Cụ thể, năm 2015, sau nhiều lần tổ chức ĐHCĐ, Eximbank mới bầu được HĐQT mới. Theo đó, ông Lê Minh Quốc và Lê Văn Quyết trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và Tổng giám đốc (TGĐ) sau những cuộc “khẩu chiến” tưởng chừng bất tận giữa các nhóm cổ đông.

Tưởng như “trời yên biển lặng” nhưng sự nghi ngờ về việc gian lận trong quá trình bỏ phiếu với ông Lê Minh Quốc tiếp tục làm nội bộ Eximbank dậy sóng. Lần kiểm phiếu đầu tiên, ông Quốc chỉ có 46% phiếu ủng hộ nhưng sau khi “bỏ phiếu lại” thì đạt hơn 58% và trúng cử. Dĩ nhiên, kết quả không thống nhất này khiến Eximbank không thể thực hiện ĐHCĐ thường niên.

Trong khi nội bộ “lục đục”, một cái tên ngoại lai là Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank. Động thái này khiến cho mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của nhà băng này tăng lên nhiều lần.

Trước thềm diễn ra ĐHCĐ, nội bộ Eximbank lại xảy ra lục đục, bất đồng.

Sau ĐHCĐ 2015, ông Lê Hùng Dũng đã rút khỏi ghế Chủ tịch HĐQT khiến vấn đề chiếc ghế quyền lực nhất “nóng” hơn bao giờ hết. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông càng đẩy lên đỉnh điểm khi chọn thêm người vào quản trị.

Những lùm xùm xoay quanh việc tranh giành “ghế” trong nội bộ Eximbank ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình hoạt động, kinh doanh của nhà băng này. Từ một ngân hàng nằm trong "câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận", Eximbank “tụt dốc không phanh”.  

Eximbank nhanh chóng rớt xa khỏi top 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất. Do trích lập dự phòng nhiều, tính tới cuối 2015, Eximbank còn lỗ lũy kế gần 820 tỷ đồng và không chia cổ tức 2015.

Năm 2015, Eximbank chứng kiến tổng tài sản giảm 22% so với cuối 2014 do giảm huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, huy động vốn của NH này cũng giảm 3%. Hoạt động kinh doanh của Eximbank lãi gần 1,5 nghìn tỷ, nhưng phải dành tới hơn 1,43 nghìn tỷ để trích lập dự phòng... Với hàng loạt chi phí kinh doanh, dự phòng nợ quá hạn tăng lên...

Eximbank đã thua lỗ 2 năm liên tiếp và cổ phiếu ngân hàng này đã bị đưa vào diện cảnh báo trên thị trường chứng khoán.

'Nội chiến' Eximbank, Vinaconex đẩy thị trường chứng khoán 'nóng' lên(VietQ.vn) - Trước thềm ĐHCĐ 2019, những diễn biến xung quanh “nội chiến” giữa các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank; EIB); Tổng công ty Vinaconex (VCG)… tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán Việt.

Năm 2016, cuộc tranh giành ghế vào HĐQT Eximbank lan mạnh khi ĐHCĐ không thành công cũng bởi xung đột lợi ích các nhóm cổ đông. Tình hình chỉ tạm thời êm dịu khi ĐHCĐ năm 2017, đa số các tờ trình đã được thông qua. 

Đến đại hội 2018, cựu CEO của NamABank - bà Lương Thị Cẩm Tú là ứng cử viên duy nhất trong danh sách bổ sung được NHNN chấp thuận tham gia HĐQT Eximbank. Trong khi đó, bộ máy lãnh đạo của Eximbank giảm 8 phó Tổng giám đốc; Ban điều hành chỉ còn 7 người thay vì 15 thành viên như trước đây.

Cách đây hơn 2 tuần, trước thềm ĐHCĐ 2019, cuộc chiến giành “ghế nóng” trong Eximbank lại nổi lên khi bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu CEO NamABank, thành viên HĐQT Eximbank bất ngờ được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc.

 Cựu CEO của NamABank - bà Lương Thị Cẩm Tú tiếp tục là 'ngòi nổ' trong cuộc chiến 'ghế nóng' Eximbank.

Ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc đâm đơn “tố” một số thành viên HĐQT đã làm sai luật và loại nguyên Chủ tịch này ra khỏi cuộc chơi. Ngay lập tức, phía Eximbank đã phản bác thông tin và cho rằng các thành viên HĐQT đã thực hiện đúng quy trình lớp lang về việc ra nghị quyết. Việc bầu Chủ tịch mới theo Eximbank hoàn toàn đúng luật.

Tuy nhiên, vài ngày sau, bất ngờ TAND TP.HCM tuyên bố đã nhận đơn của ông Quốc. Sau khi xem xét thấy đủ bằng chứng nên ra phán quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “bác” nghị quyết này. Những thành viên HĐQT Eximbank có tên trong đơn của ông Quốc và phán quyết của tòa cũng không ngồi yên khi làm đơn khiếu nại gửi đến cả lãnh đạo Chính phủ, Viện KSND Tối cao và các cơ quan chức năng để kêu cứu.

Đây không phải lần đầu xảy ra tranh chấp giữa các nhóm cổ đông của Eximbank mà vài năm trước đó, NHNN từng dẹp loạn “12 sứ quân” ngay tại Eximbank. Cho đến giờ, phía sau chuyện “lùm xùm” nhân sự ghế nóng của Exinbank vẫn luẩn quẩn, nhóm nào, ai là người cầm trịch?

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang