Truy xuất nguồn gốc - ‘chìa khóa’ khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng

author 14:45 17/08/2022

(VietQ.vn) - Truy xuất nguồn gốc là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo. Đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Từ đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hóa ngày càng trở nên thiết yếu, là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo. Đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hóa ngày càng trở nên thiết yếu, là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo 4 nguyên tắc

Cụ thể, truy xuất nguồn gốc là hoạt động chỉ ra chính xác một sự kiện trong chuỗi cung ứng, theo đó xác định được một đơn vị sản phẩm, từ đó xác định thuộc về lô/mẻ sản phẩm nào (What) đang diễn ra ở đâu (Where), tại thời điểm nào (When), ai đang thực hiện (Who) và lý do sự kiện đó diễn ra (Why). Sự kiện này sẽ gắn với trách nhiệm của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, nền tảng tiêu chuẩn chất lượng áp dụng, và quan trọng nhất là đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người tiêu dùng.

Xét theo TCVN 12850:2019 “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc”, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.

Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo 4 nguyên tắc nêu trên. Ảnh: NBC.

Trong đó, bên tham gia truy xuất trong hệ thống có thể bao gồm: Bộ phận quản lý chất lượng và an toàn; Bộ phận pháp chế liên quan đến các yêu cầu của pháp lý và tổ chức; Bộ phận quan hệ khách hàng mà cần chia sẻ thông tin liên quan; Bộ phận được giao nhiệm vụ chống giả, bảo mật chuỗi cung ứng hoặc bảo vệ thương hiệu; Bộ phận chịu trách nhiệm xã hội chuyên về các vấn đề đạo đức và môi trường; Bộ phận quản lý vòng đời sản phẩm; Bộ phận chịu trách nhiệm vận tải và logistic; Bộ phận quản lý và phát triển hệ thống.

Dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn và quy định về truy xuất nguồn gốc đã đề cập, có thể thấy đối với từng vai trò của các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thì các đối tượng cần được thu thập thông tin bao gồm: Vùng trồng: nông dân, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; Đơn vị sơ chế/chế biến: công nhân, vật liệu đóng gói, băng truyền…; Đơn vị vận chuyển: lái xe, container, pallet…; Đơn vị logistics: vận đơn, pallet, container…;

Đơn vị phân phối/kho tổng: pallet, phòng lưu, kho bãi…; Đơn vị bán lẻ: kệ hàng, gian hàng, kho chứa…; Người tiêu dùng (tùy chọn); Cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp giải pháp: là đối tượng không tham gia hoạt động trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhưng cũng tham gia trao đổi và thu thập các thông tin truy xuất nguồn gốc.

Tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) từng chia sẻ, trong bối cảnh chuyển đổi số, hoạt động truy xuất nguồn gốc từng bước giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, hiện nay, dữ liệu truy xuất nguồn gốc còn phân tách do chưa kết nối, chia sẻ giữa các bộ ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp. Thông tin truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng "các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc" như: Không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, thông tin không chính xác.... Ngoài ra, người dùng có thể phải cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do đơn vị cung cấp giải pháp chỉ cho phép dùng phần mềm nội bộ truy cập được thông tin.

Được biết, với mục tiêu kết nối - chia sẻ và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đang được Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia (NBC) triển khai xây dựng, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2022.

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý Nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Trong chuỗi Techfest năm 2022, tỉnh Khánh Hòa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chọn làm địa điểm tổ chức Techfest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm hỗ trợ, định hướng xây dựng, phát triển và liên kết mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa các địa phương trong Vùng; Kết nối chuyên gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới đầu tư, phát triển sản phẩm, thương hiệu, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ Techfest năm 2022 vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa sẽ phối hợp với Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (Tổng cục TCĐLCL) tổ chức Hội thảo "Áp dụng truy xuất nguồn gốc để xây dựng chuỗi giá trị, khẳng định thương hiệu và kết nối cung - cầu cho nông, lâm, thủy sản" nhằm nâng cao nhận thức về việc áp dụng và ứng dụng truy xuất nguồn gốc; xây dựng và kết nối mạng lưới doanh nghiệp, chuyên gia; đưa giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Hội thảo dự kiến tổ chức vào sáng ngày 20/8/2022 tại Trung tâm Hội nghị 46 Trần Phú, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang