Truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán cần áp dụng công nghệ và quản lý phù hợp tiêu chuẩn

author 20:06 18/05/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau; các thông tin về truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng hoàn toàn cần áp dụng công nghệ và quản lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia.

Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Minh Hùng, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cho biết hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau; các thông tin về truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng hoàn toàn.

Do đó, để đảm bảo kết nối tốt thì cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc chung phù hợp tiêu chuẩn quốc gia gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, chỉ trong năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó có hơn 15.000 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Khởi tố 380 vụ, với 472 đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ việc vi phạm 7.666 tỷ đồng. Do đó yêu cầu cần phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin; xây dựng chính sách pháp luật về quản lý truy xuất hàng hoá một cách có hệ thống và nâng cao vai trò của công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán cần áp dụng công nghệ và quản lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. Ảnh: Vũ Quang 

Liên quan tới vấn đề truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, Thạc sĩ Nguyễn Văn Đoan, Chuyên gia đánh giá, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng cũng cho rằng, hiện việc áp dụng công nghệ để tối ưu hóa phương pháp truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, trong đó nổi bật là truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn còn hạn chế. Truy xuất nguồn gốc chính là yếu tố được người dùng quan tâm nhất, nhưng gặp nhiều bất cập như sản phẩm không đủ thông tin, hoặc có tem và mã quét sản phẩm nhưng không dẫn tới một nguồn thông tin nào.

Ông Đoan cũng cho biết, một mã quét truy xuất đạt chất lượng không đơn thuần là đưa thông tin về tên, khối lượng, thời gian gieo trồng và hạn sử dụng mà phải cho thấy độ an toàn về các hợp chất, thời gian cách ly phân bón, thuốc trừ sâu của một nông sản. Các mã quét này được đưa lên một hệ thống truy xuất gồm các hoạt động định danh sản phẩm, thu thập lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm với thời gian chính xác.

Đặc biệt, mỗi sản phẩm được gắn một mã QR Code trong suốt quá trình từ khi gieo trồng, chế biến cho đến khi ra thị trường tiêu thụ, không phải chỉ khi được thu hoạch, nông sản đó mới được gắn mã truy xuất. "Chỉ khi mã truy xuất nông sản có đầy đủ các thông tin, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của nông sản mới có giá trị", ông Đoan nói.

Để có thể tích hợp lượng lớn dữ liệu vào mã vạch hoặc mã QR của nông sản, ThS Đoan gợi ý áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử hoặc tính hợp AI vào nhận diện mã vạch. Các phương pháp này có khả năng truy xuất nhanh, chính xác và không bị hạn chế lưu trữ thông tin lớn, dễ dàng nhập dữ liệu và tìm kiếm số liệu.

"Chính việc áp dụng AI mới có thể giúp người nông dân dễ dàng áp dụng phương pháp truy xuất nguồn gốc điện tử. Bởi nông dân vẫn có thể ghi chép bằng tay quá trình sản xuất, sau đó chỉ cần hệ thống quét và AI nhận diện chữ viết tay, các thông tin truy suất hoàn toàn có thể đưa lên hệ thống. Nhờ vậy, phương pháp truy xuất mới có thể được triển khai rộng rãi", ông Đoan nói.

Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc cần tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao vị thế chất lượng nông sản, đem lại giá trị kinh tế cao.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang