Truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa

author 09:17 17/05/2023

(VietQ.vn) - Trước tình hình thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng… thì truy xuất nguồn gốc (TXNG), thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.

 TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

TXNG là yêu cầu bắt buộc

Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), nhiều thị trường trên thế giới hiện yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó TXNG là yêu cầu bắt buộc như các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật,… và cả thị trường Trung Quốc.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đưa ra những quy tắc trong đó vấn đề về nguồn gốc xuất xứ được đề cao. Theo đó, hàng hoá Việt muốn xuất khẩu sang EU phải tuân thủ nghiêm ngặt về TXNG, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc - thị trường lớn của Việt Nam những năm gần đây cũng ban hành nhiều chính sách kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu phải thực hiện TXNG.

Tại Việt Nam, cùng với sự vận động của thị trường, yêu cầu đối với hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu về thông tin sản phẩm, hàng hóa. Sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm cuối cùng đến khách hàng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm,…

Thực tế, hoạt động TXNG và áp dụng tem TXNG tại Việt Nam đang tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, như: TXNG mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số thị trường lớn; Hệ thống TXNG mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác; TXNG đòi hỏi tính chuẩn hóa cao, yêu cầu các bên tham gia TXNG cần thống nhất dùng chuẩn chung. Tuy nhiên, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gây hạn chế cho việc thống nhất giữa các bên tham gia TXNG;

Các giải pháp TXNG tại Việt Nam chưa được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; Chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống TXNG mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người sử dụng…

Đề án 100 và nhiều văn bản liên quan được ban hành

Với những bất cập trong thực trạng triển khai hoạt động TXNG và áp dụng tem TXNG thời gian vừa qua, đồng thời để bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai TXNG trên thế giới, ngày 19/01/2019 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động TXNG phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài Đề án 100, Chính phủ, các cơ quan như Bộ, ban ngành cũng đã đưa ra những luật, quy định đối với truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung và TXNG chuỗi cung ứng nói riêng như Luật An toàn thực phẩm (2010), Luật Thủy sản (2017), Luật Chăn nuôi (2018), Luật trồng trọt (2018)… Một số văn bản, chính sách khác liên quan tới truy xuất nguồn gốc như:

Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều Thông tư về quản lý, TXNG lâm sản, an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 bổ sung quy định quản lý về TXNG sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc ban hành quy định quản lý về TXNG giúp xác định nhiệm vụ cần triển khai và phân công trách nhiệm Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động TXNG.

Nhằm hỗ trợ tiến trình đưa nhanh hoạt động TXNG vào sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa nội dung TXNG vào Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 (về việc phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030): “Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh” (Điều 1 – II-3-b) và “Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế (Điều 1 – II-3-d).

Cũng theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, việc ban hành các văn bản liên quan tới TXNG nói chung và TXNG thực phẩm nói riêng tạo vành đai bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo vệ nhà cung cấp, người tiêu dùng và là công cụ hiệu quả cho Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết của mình.

Đồng thời, việc quản lý tốt thông tin về TXNG góp phần chuyển đổi số trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá. Nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang