Tử vong sau 6 tháng phát hiện ung thư dạ dày do thường xuyên ăn cháo nấu với lạc để lâu

author 14:03 11/01/2022

(VietQ.vn) - Một cô gái Trung Quốc vừa tử vong do ung thư dạ dày. Nguyên nhân sâu xa là do cô gái thường xuyên nấu cháo với lạc để lâu.

Ăn uống là hoạt động cơ bản, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sống của con người; ăn uống sao cho đủ chất, ăn uống như thế nào để tăng cường sức đề kháng, đặc biệt là cách lựa chọn, bảo quản thức ăn ra sao,... để không mắc các bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh ung thư, trong đó, ăn thực phẩm bị nấm mốc là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho bệnh ung thư hình thành và phát triển nhanh.

Một trường hợp cụ thể mới đây tại Trung Quốc đã tử vong do ung thư dạ dày vì ăn món cháo nấu với lạc đã bị mốc. Theo đó, Lục Vĩ năm nay 29 tuổi, sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cô được rất nhiều người ngưỡng mộ vì hình tượng người phụ nữ độc thân giỏi giang, vừa có sự nghiệp vừa có nhan sắc lại không muốn phụ thuộc vào đàn ông.

Nhưng chức vụ càng cao thì khối lượng công việc càng nhiều, áp lực cũng thêm lớn, Lục Vĩ ngày càng có ít thời gian chăm lo cho bản thân. Mấy năm trước, cô từng điều trị viêm dạ dày sau thời gian dài ăn uống thất thường và hay thức khuya. Kể từ đó, cô bắt đầu có thói quen ăn cháo hàng ngày để bồi bổ dạ dày.

 Lạc bị mốc tiềm ẩn nguy cơ ung thư cần ném bỏ ngay. Ảnh minh họa

Đến khoảng hơn 6 tháng trước, cô đột nhiên đau bụng dữ dội rồi ngất xỉu tại nơi làm việc. Khi đồng nghiệp gọi cấp cứu đưa cô đến bệnh viện cũng là lúc cô nhận được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày.

Lục Vĩ cho biết, thật ra trước khi phát hiện bệnh khoảng 3 tháng, cô đã thường xuyên bị đau bụng, mệt mỏi, chán ăn. Tuy nhiên, cho rằng viêm dạ dày tái phát, lại đang có dự án quan trọng nên cô chỉ tự mua thuốc uống. Bận rộn quá cũng khiến cô quên mất dự định tới bệnh viện thăm khám chuyên sâu.

Điều tra bệnh sử cho thấy nguyên nhân gây bệnh của Lục Vĩ là do thói quen ăn uống. Bố mẹ cô tự tay trồng và thường gửi rất nhiều lạc cho con gái, vì ở quê cô mọi người thường nấu cháo với loại hạt này để bồi bổ. Hơn nữa, tìm kiếm thông tin trên mạng đều nói cháo lạc nấu kỹ rất tốt cho dạ dày.

Tuy nhiên, lạc để lâu trong tủ bếp thường bị nấm mốc, mọc mầm. Lục Vĩ vừa tiếc công cha mẹ, vừa cho rằng nấu chín sẽ không sao nên không chịu bỏ đi. Cô chỉ vứt bỏ những hạt đã hư hỏng đến mức không thể ăn được, còn lại sẽ rửa sạch rồi nấu như bình thường.

Đáng tiếc khi phát hiện, bệnh của Lưu Vĩ đã ở giai đoạn cuối, các khối u đã di căn khá rộng. Dù nhập viện điều trị ngay lập tức nhưng vẫn không thể cứu vãn, cô qua đời sau 6 tháng chống chọi với bệnh tật, đau đớn và hối hận.

Bác sĩ cho biết, trong lạc bị mốc chứa nhiều loại nấm độc, vi sinh vật có hại và đặc biệt là độc tố aflatoxin. Chất này được WHO xếp loại là chất gây ung thư hàng đầu, có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính với liều gây chết người chỉ khoảng 10mg. Hấp thụ dù là lượng cực nhỏ aflatoxin trong thời gian dài làm tổn thương tế bào thành dạ dày và gan, gây đột biến và hình thành ung thư dạ dày, ung thư gan.

Khi thực phẩm bị mốc, tức là chất độc đã ngấm vào toàn bộ nó. Cắt bỏ phần mốc hay rửa sạch không hề làm aflatoxin biến mất. Hơn nữa, theo Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, độc tố này rất bền với nhiệt. Ngay cả khi làm chín lạc bị mốc ở nhiệt độ cực cao, trên 2000 độ C cũng không thể loại bỏ hoàn toàn chất độc khủng khiếp này.

Ngoài ra, nguyên tắc hàng đầu trong bảo quản thực phẩm khô để không bị nấm mốc là bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tùy từng loại thực phẩm mà cân nhắc có nên bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đá của tủ lạnh. Để giữ thực phẩm khô lâu bị ẩm mốc, dù là phơi hay đã sấy, phải để trong tủ lạnh (ngăn mát đựng rau quả), bao ngoài bằng lớp giấy báo hoặc giấy hút ẩm, kế đến là bao ni-lông cột chặt miệng lại. Bằng cách này, sản phẩm vẫn ngon và giữ được mùi vị đặc trưng trong vài tháng.

Nếu thực phẩm đã bị nấm, mốc thì nên bỏ, không tiếp tục dùng vì trong thực phẩm mốc có chứa vi nấm. Đặc biệt, đối với những thực phẩm hải sản khô, sau khi mua về nên phơi lại 2-3 nắng cho thật khô. Nếu không ăn ngay mà cần bảo quản thì nên để vào lọ thủy tinh có nắp đậy hoặc gói kín bởi 2-3 lớp giấy báo, sau đó quấn bên ngoài một lượt ni-lông để ngăn mùi lan sang các loại thực phẩm khác rồi đặt lên ngăn đá tủ lạnh với nhiệt độ tốt nhất là -180C.

Rất nhiều thực phẩm khô có giá trị dinh dưỡng không thua gì thực phẩm tươi và mang lại nhiều tiện dụng cho người nội trợ. Nhưng nếu bảo quản thực phẩm khô không đúng cách sẽ khiến thực phẩm xuất hiện nấm mốc, gây nhiều nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh ung thư gan.

Nấm mốc bám vào thực phẩm khi nấu chín cũng sẽ chết, không phát triển được trong cơ thể người, tuy nhiên độc tố có trong nấm chính là nguyên nhân gây hại cho cơ thể. Việc cạo hết mốc hay rửa bằng nước có thể sẽ không còn nhìn thấy vết nấm mốc trên thực phẩm nhưng độc tố đã ngấm sâu vào bên trong của thực phẩm.

Vì thế, khi thực phẩm đã bị mốc thì dù có phơi dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể làm chúng hết được. Ánh nắng mặt trời chỉ có tác dụng hút bớt độ ẩm và làm khô thực phẩm, để từ đó không làm thực phẩm bị mốc. Do vậy, khi thực phẩm đã bị mốc, tốt nhất là không nên sử dụng.

Cũng qua trường hợp của cô, bác sĩ nhắc nhở chúng ta tuyệt đối không nên tiếc rẻ các loại thực phẩm bị đốm đen, nấm mốc, mọc mầm mà mang bệnh vào người. Đặc biệt, những người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày, mắc bệnh dạ dày thì nên tầm soát ung thư định kỳ để tránh bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot