Từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hàng Việt

author 10:20 21/12/2021

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp Việt muốn đứng vững tại các thị trường khó tính, khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng cần chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về hóa chất, quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan nước sở tại...

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường như Australia, Israel… vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Điều này ngày càng khẳng định vị thế của sản phẩm Việt cũng như kết quả tích cực của việc đổi mới phương thức tiếp thị, quảng bá, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hàng Việt. Ảnh minh họa. 

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, tổng kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Australia trong 10 tháng năm 2021 đạt 10 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, nhóm hàng lương thực, rau quả, thuỷ sản, hạt tiêu có sự tăng trưởng mạnh.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Australia thời gian qua chủ trương giảm nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác, song vẫn ưu tiên nhập khẩu gạo từ Việt Nam với số lượng lớn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, điều này tiếp tục khẳng định chất lượng và thương hiệu gạo nói riêng cũng như các sản phẩm nông, thuỷ sản của Việt Nam nói chung tại thị trường Australia. “Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy xu hướng ưa chuộng hàng hóa Việt Nam của người dân Australia đang tăng lên. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý để sớm nắm bắt cơ hội tốt tại thị trường này”, bà Thủy khuyến nghị.

Cùng với thị trường Australia, quan hệ thương mại Việt Nam - Israel cũng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2018, trao đổi thương mại hai nước mới đạt 1,2 tỷ USD thì đến năm 2020 đã đạt xấp xỉ 1,6 tỷ USD, dự kiến năm 2021 tiếp tục tăng và đạt khoảng 1,9 tỷ USD. Israel hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Ông Lê Thái Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel cho biết, hàng năm có trên 70 loại mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Israel. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính bổ sung cho nhau, không bị cạnh tranh trực tiếp. Theo đó, mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu để phục vụ tiêu dùng trong nước cũng là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như hạt điều, thuỷ sản, cà phê, dệt may, giày dép các loại.

Đáng chú ý, ngoại trừ điện thoại di động - mặt hàng chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel chủ yếu thuộc về nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu còn lại là doanh nghiệp thuần Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

“Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả”, ông Lê Thái Hoà đánh giá.

Nhìn chung, giới chuyên gia cho rằng, không chỉ riêng Australia hay thị trường Israel, doanh nghiệp Việt muốn đứng vững tại các thị trường khó tính, khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng cần chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về hóa chất, quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan nước sở tại...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang