Từng bước nâng cao năng suất chất lượng ngành công nghiệp chế biến thủy sản

author 06:54 30/01/2022

(VietQ.vn) - Thực tế, chế biến là khâu quan trọng nhất nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất thủy sản. Ở Việt Nam, những năm gần đây, công nghiệp chế biến thủy sản đã phát triển nhanh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành thủy sản.

Từng bước nâng cao năng suất chất lượng ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến thủy sản với công nghệ, thiết bị tương đối hiện đại, gắn kết với vùng nguyên liệu. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có 825 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu và 3.280 cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ chế biến tiêu thụ nội địa. Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến thủy sản đã áp dụng công nghệ và dây chuyền chế biến hiện đại, đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Tuy nhiên, công nghiệp chế biến thủy sản vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, thách thức. Điển hình là số lượng và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến chưa được bảo đảm, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay chủ yếu vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài với hơn 50% mặt hàng sơ chế đơn giản, bán thành phẩm với giá trị gia tăng thấp, giá bán thấp...

Theo TS Đào Trọng Hiếu (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỷ trọng sản phẩm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng còn thấp. Năm 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến chỉ chiếm khoảng 22% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản; trong đó, tôm 41,7%; cá tra 2,7%; cá ngừ 52,1%; nhóm sản phẩm từ mực, bạch tuộc 10,5%.

Những con số nêu trên phản ánh thực trạng là chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thủy sản dưới dạng thô, sơ chế, bán thành phẩm hoặc nguyên liệu cung cấp cho các nhà nhập khẩu mà chưa qua chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. 

Thêm nữa, tăng trưởng của ngành chế biến thủy sản vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tài nguyên, lao động giá rẻ, trình độ thấp, đa số cơ sở chế biến chưa đầu tư nhiều vào công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các cơ sở chế biến phần lớn là quy mô nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% số cơ sở. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông dẫn đến năng suất lao động không cao…

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 với 6 trọng tâm chính là phát triển khoa học công nghệ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản; nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến; phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nhằm đưa công nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam vào một giai đoạn mới, thay đổi lớn về tầm vóc, quy mô và chất lượng. Đây được xem là một cơ hội mới nhưng cũng là thách thức lớn để ngành chế biến thủy sản tái cơ cấu và chuyển mình trong thời gian tới.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang