'Tuýt còi' hộ kinh doanh bán hàng chục sản phẩm sữa nhập lậu

author 09:44 06/03/2024

(VietQ.vn) - Ngày 5/3, Tổng cục QLTT cho biết, một hộ kinh doanh tại Cao Bằng bị xử phạt 16 triệu đồng vì hành vi bán sữa nhập lậu.

Cụ thể, kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh sữa trên địa bàn phường Sông Bằng, TP.Cao Bằng, lực lượng chức năng tỉnh này phát hiện cơ sở thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook M.T.H để đăng bán sữa nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng kinh doanh của bà M.T.T.H đang bày bán 20 sản phẩm sữa bột các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Ước tính giá trị hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết của cửa hàng là 26.100.000 đồng.

Đăng bán sữa nhập lậu trên Facebook, một hộ kinh doanh ở Cao Bằng bị phạt 16 triệu đồng.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo Đội trưởng xử phạt 16 triệu đồng, buộc hộ kinh doanh M.T.T.H tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm trước sự giám sát của cơ quan chức năng.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “hàng hóa nhập lậu” gồm: Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Kinh doanh hàng nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi; giá trị của hàng hóa nhập lậu mà người có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 1.000.000 đồng; Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;  Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang