Phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho kinh tế tuần hoàn

author 15:38 16/08/2024

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn vào thời điểm này là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm thiết lập khung tiêu chuẩn quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới.

Áp dụng các công cụ, chỉ tiêu đo lường đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện nay, kinh tế tuần hoàn còn được được xem là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn hiện nay cũng được tiêu chuẩn hóa trong tiêu chuẩn quốc tế ISO 14009:2020 là “Sự tiếp cận có hệ thống đến thiết kế các mô hình kinh doanh, cho phép quản lý bền vững các nguồn nguyên vật liệu trong sản phẩm”. Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn hiện được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển.

Tại Việt Nam, khái niệm kinh tế tuần hoàn được cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường quy định cụ thể các chỉ tiêu xác định kinh tế tuần hoàn bao gồm: Năng suất tài nguyên; giảm thiểu việc tiêu thụ nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm phát thải, rác thải ra môi trường và không gây tác động xấu đến môi trường. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Áp dụng công cụ đo lường, xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn cho các hoạt động về kinh tế tuần hoàn với phương châm đảm bảo tính thống nhất, dễ dàng áp dụng. Ảnh minh họa

Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy việc áp dụng các công cụ, chỉ tiêu đo lường, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn như Đức, Nhật Bản, Trung Quốc…

Năm 2012, Đức đã ban hành Luật Kinh tế tuần hoàn thay thế cho Luật Quản lý chất thải và Chu trình khép kín. Luật đã phát triển một hệ thống kế hoạch hoàn chỉnh, thiết lập mục tiêu thực hiện kinh tế tuần hoàn theo lộ trình rõ ràng, gắn liền với đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội cụ thể của từng bang. Cục Thống kê Liên bang xây dựng các chỉ số khác nhau cho kinh tế tuần hoàn như hiệu suất sử dụng nguyên liệu thô, tiêu thụ nguyên liệu thô, khối lượng chất thải và tái chế.

Nhật Bản đã phát triển bộ chỉ số kinh tế tuần hoàn gồm 4 chỉ số chính cùng với hơn 40 chỉ số phụ và các chỉ số bổ trợ. Các chỉ số này được xây dựng dựa trên mô hình dòng vật chất để đánh giá tiến trình tuần hoàn của nền kinh tế theo các phạm vi, cấp độ khác nhau. Hệ thống Chỉ số Đánh giá về phát triển kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc được ban hành lần đầu tiên vào năm 2007, sửa đổi năm 2017, bao gồm các chỉ tiêu toàn diện như năng suất tài nguyên chính; tỷ lệ tái chế tài nguyên thứ cấp tương ứng với một loạt các chỉ tiêu cụ thể.

Tại Việt Nam đã có chính sách nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về kinh tế tuần hoàn theo hướng chú trọng khía cạnh kinh tế, gia tăng lợi ích kinh tế…Cụ thể tại Khoản 1 Điều 138 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, hướng đến tập trung về sử dụng tài nguyên hiệu quả, kéo dài vòng đời sản phẩm và hạn chế phát sinh chất thải…

Trong đó có xét đến các cấp độ và nhu cầu đo lường đánh giá chỉ số của kinh tế tuần hoàn bao gồm cấp vĩ mô, cấp vi mô, cấp sản phẩm,…thông qua các chỉ tiêu về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm và phát triển năng lượng tái tạo…Tuy nhiên, việc xây dựng các chỉ số kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc do thiếu hệ thống pháp lý cụ thể; chưa đủ các công cụ đáp ứng và phương pháp chuẩn hóa quá trình thu thập quản lý, đo lường dữ liệu đánh giá các chỉ số…

Phát triển tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về kinh tế tuần hoàn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, xây dựng khung giám sát, các chỉ số đo lường có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn trên phạm vi cả nước.

Các công cụ, chỉ số nhằm theo dõi, đánh giá quá trình, tiến độ và hiệu quả của các hoạt động áp dụng kinh tế tuần hoàn đáp ứng mục tiêu giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; đồng thời kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, địa bàn quản lý.

Tiến sĩ Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường) đề xuất phát triển tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các hoạt động về kinh tế tuần hoàn với phương châm đảm bảo tính thống nhất, dễ dàng áp dụng; xây dựng bộ công cụ hỗ trợ và dùng chung. Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp, nhà quản lý và triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và cách thức triển khai kinh tế tuần hoàn cũng như thực hiện đánh giá, đo lường các chỉ số liên quan; lồng ghép, tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược phát triển quốc gia và ngành, đảm bảo tính bền vững và dài hạn.

Theo bà Đoàn Thanh Vân- Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, tại Việt Nam dù hoạt động kinh tế tuần hoàn đã được phản ánh trong nhiều chiến lược và chính sách phát triển quốc gia những năm gần đây nhưng vẫn chưa có khung tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Vì vậy việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn vào thời điểm này là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm thiết lập khung tiêu chuẩn quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra để kinh tế tuần hoàn đạt mục tiêu cần cộng đồng chung tay, thay đổi từ nhận thức đến hành vi. Đây là quá trình đòi hỏi cả hệ thống cải cách đồng bộ từ chính sách hỗ trợ, công nghệ, tài chính và năng lực vận hành. Cần thiết phải xây dựng và xác lập một hành lang pháp lý rõ ràng; cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, tiêu chí của mô hình, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.

Hiện nay, các tổ chức tiêu chuẩn hóa trên thế giới đang rất chú trọng vào việc xây dựng kế hoạch hành động, kêu gọi các bên liên quan tham gia công tác xây dựng tiêu chuẩn và cho rằng các tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế tuần hoàn. Đi đầu trong những hoạt động này có thể kể đến các tổ chức như: ISO, IEC, EN, DIN, BSI, ANSI…

Theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đã đưa ra 17 Mục tiêu về Phát triển Bền vững (SDGs). Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đóng góp vào ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường với các tiêu chuẩn ISO tương ứng, nhằm đạt được hiệu quả cho từng mục tiêu cụ thể. Tiêu chuẩn phổ biến và đã được biết đến nhiều nhất là bộ tiêu chuẩn ISO 14000 về Quản lý môi trường do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 207 xây dựng, các tiêu chuẩn này đang được cập nhật thường xuyên và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.

Năm 2018, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã thành lập một Ủy ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế về Kinh tế tuần hoàn (ISO/TC 323, Circular Economy). Mục tiêu chung là tăng cường và tối đa hóa các hoạt động vì sự phát triển bền vững. Do đó, Ban kỹ thuật đang chú trọng vào việc xây dựng các tiêu chuẩn về yêu cầu, khuôn khổ cũng như hướng dẫn hoặc công cụ để hỗ trợ lập dự án và áp dụng Kinh tế tuần hoàn vào hoạt động của doanh nghiệp.

Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 323 bao gồm các thành viên tham gia từ nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, có 71 thành viên tham gia chính thức (P) và 14 thành viên là quan sát viên (O). Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đại diện của Việt Nam tham gia làm thành viên chính thức của Ban kỹ thuật này từ năm 2020.

Với việc thành lập ban kỹ thuật ISO/TC 323, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đang xúc tiến xây dựng những tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Kinh tế tuần hoàn với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia. Các tiêu chuẩn về Kinh tế tuần hoàn sẽ hỗ trợ vào 16 trong số 17 Mục tiêu về Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang