Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản

author 17:01 11/10/2023

(VietQ.vn) - Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP là một nhiệm vụ trọng tâm giúp ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của nhân dân.

Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo đảm ATTP tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án), trong đó, xác định rõ: “Bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ trong chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản".

Mục tiêu cụ thể của Đề án, trong giai đoạn đến năm 2025 xác định các chỉ tiêu, số liệu cụ thể về các hoạt động như: Tăng cường năng lực hệ thống quản lý ATTP; nâng cao kiến thức, thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng; cải thiện tình hình bảo đảm ATTP đối với cơ sở thực phẩm cho đến ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm…

Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, về cải thiện tình hình bảo đảm ATTP đối với cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực được xác định trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm; 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký bản cam kết sản xuất, KDTP an toàn; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm ATTP giảm 10%/năm.

Tập trung xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu và cập nhật về quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, xây dựng và triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý ATTP và cổng thông tin ATTP giúp quản lý tình hình ngộ độc thực phẩm, cũng như quản lý Giấy phép, quản lý các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, quản lý thanh tra ATTP, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực ATTP.

Tiếp tục duy trì hoạt động của Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh, tích hợp với Hệ thống dữ liệu của Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% sản phẩm trong chương trình OCOP tỉnh, sản phẩm xây dựng thương hiệu, sản phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng GMP, SSOP, VietGAP, HACCP, ISO 22000, ... và sản phẩm được dán tem mã QR-code.

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong đảm bảo ATTP

Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản để duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của nhân dân, đồng thời, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thuỷ sản UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng các nhóm giải pháp cụ thể trong giai đoạn 2023-2030.

Trước mắt cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của thành phố, giữa thành phố với các Bộ, ngành và giữa thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong cả nước về đảm bảo chất lượng, ATTP. 

Đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản thông qua việc tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành, các Viện, Trường, các tổ chức quốc tế chuyên ngành, các dự án quốc tế trong nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng, ATTP cho các cơ quan địa phương. 

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuyển giao phương thức kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, ATTP tiên tiến, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực thi 100% các thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng; Duy trì, phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội”. Ứng dụng chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quản lý chất lượng ATTP, tạo giống, sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản, đảm bảo nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Chuẩn hóa các quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và thông lệ quốc tế bằng cách tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản theo chương trình chung của Chính phủ.

Thái Bình đối chiếu số liệu lên phần mềm quản lý ATTP

Trong tháng 9/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình đã tiến hành tập huấn hướng dẫn, cập nhật đối chiếu số liệu lên phần mềm quản lý ATTP cho 268 cán bộ phụ trách ATTP - Trạm Y tế xã, phường trị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhờ đó các học viên đã được hướng dẫn lý thuyết và trực tiếp thực hành trên máy vi tính về việc cập nhật, đối chiếu danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lên phần mềm quản lý ATTP, các tính năng của phần mềm, ứng dụng sử dụng phầm mềm trong việc quản lý các cơ sở theo phân cấp quản lý.

Việc triển khai phần mềm quản lý ATTP liên thông giúp cho công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quản lý hồ sơ cơ sở tự công bố sản phẩm; công tác kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính; thống kê, báo cáo đảm bảo tính chính xác, kịp thời và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng được xác định là một nhiệm vụ phục vụ yêu cầu chuyển đổi số của ngành Y tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang