Ứng dụng công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở BV Đa khoa Hùng Vương

authorHồng Anh 09:49 04/09/2015

(VietQ.vn) - Với lượng bệnh nhân ngày càng lớn, công suất hoạt động cao, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường vào các hoạt động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương có hơn 40 trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác khám, chữa bệnh hoạt động bình thường. Mỗi năm, lượng hóa chất Bệnh viện sử dụng gồm: 500kg xà phòng, 5.000 lít Javen, 100 kg hóa chất khử trùng tương đương CloranminB, 300 kg khí CO2, 900 bình ô xy khí y tế.

Trong quá trình hoạt động, thông thường nguồn phát sinh khí thải của các bệnh viện chủ yếu từ lò đốt chất thải y tế, khí thải này chứa các chất CO, NO2, SO2 và đặc biệt là các hợp chất hữu cơ độc. Khí thải còn phát sinh từ các nồi hấp, giặt tẩy, khử trùng (có mùi Clo, Javen); từ các khoa dinh dưỡng, nhà bếp phát sinh khí thải trong quá trình nấu ăn sử dụng nguyên liệu than, khí này thường có CO, NO2, SO2… ngoài ra, còn có khí thải từ các máy phát điện chạy nguyên liệu diezen gây ra (rất ngắn trong thời gian mất điện). Nguồn bụi phát sinh chủ yếu từ các phương tiện giao thông ra vào bệnh viện.

Hệ thống lò đốt rác thứ cấp của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đạt nhiệt độ 1.200- 1.3000c đảm bảo không còn khí độc hại ô nhiễm môi trường.

Hệ thống lò đốt rác thứ cấp của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nguồn nước thải phát sinh từ các khoa điều trị, phòng khám, nhà ăn, các khu vệ sinh, nhà tắm, nhà giặt, nước vệ sinh, sàn nhà…

Nước thải sinh hoạt của cán bộ, nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân gồm các dòng thải từ các khu điều trị, hành chính, nhà giặt là… chứa các chất lơ lửng, chất vô cơ, hóa chất tẩy rửa. Nguồn phát sinh chất thải rắn từ các hoạt động khám, chữa bệnh, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, người thân phục vụ, cán bộ, nhân viên y tế gồm: Nhóm chất thải lâm sàng như: Máu, gạc, bông băng, kim tiêm, lưỡi dao mổ, ống tiêm, găng tay, bệnh phẩm, hóa chất có tính gây độc đối với tế bào…; chất phóng xạ phát sinh từ hoạt động chuẩn đoán, hóa trị liệu và nghiên cứu như: Bơm tiêm, giấy thấm, gạc sat khuẩn có nhiễm các đồng vị phóng xạ…; chất thải hóa học gồm các dung môi, hóa chất dùng để khử trùng, làm sạch…; các chất thải sinh hoạt với nilon, giấy, vỏ hộp, thức ăn thừa khoảng 1.500kg/tháng và đặc biệt là chất thải rắn y tế nguy hại với tổng khối lượng khoảng 520kg/tháng.

Bệnh viện đã đầu tư toàn bộ hệ thống xử lý nước, rác thải có tổng số vốn khoảng 3 tỷ đồng với lò đốt thứ cấp rác thải y tế công nghệ Nhật Bản có nhiệt độ buồng đốt lên tới 1.3000c, đảm bảo chất thải bị đốt hoàn toàn, lượng khí độc sinh ra đạt các tiêu chuẩn về khí thải lò đốt rác. Hệ thống rãnh thu gom nước thải hoàn thiện, tập trung mọi nguồn, xử lý trước khi đưa ra môi trường.

Với bể tự hoại 3 ngăn đặt ngay dưới các công trình vệ sinh, theo quy trình, nước thải sinh hoạt qua bể tự hoại được lắng cặn và lên men cặn lắng (chủ yếu là chất hữu cơ không tan). Cặn lắng được giữ lại trong bể 12 tháng, dưới tác động của vi khuẩn yếm khí, cặn được phân hủy thành các chất khí và khoáng hòa tan. Bùn cặn lên men sẽ định kỳ được chuyển đi bằng xe hút bể phốt chuyên dụng. Hiệu quả xử lý làm sạch của bể tự hoại đạt 30-35% theo nhu cầu ô xy hóa và 50-55% đối với cặn lơ lửng. Định kỳ mỗi năm hai lần, Bệnh viện bổ sung chế phẩm vi sinh sử dụng cho bể tự hoại tăng cường khả năng phân hủy các chất ô nhiễm có trong nước thải.

Kết quả là đến nay các mẫu không khí, khí thải ống khói lò đốt chất thải rắn y tế, nước thải lấy tại điểm đầu ra của hệ thống xử lý nước thải tập trung… định kỳ của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đều được Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Hà Nội) kết luận không có dấu hiệu độc hại, đảm bảo quy chuẩn theo các quy định Quốc gia hiện hành.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang