Thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh trong ngành vật liệu xây dựng hướng tới phát triển bền vững

(VietQ.vn) - Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng 0 vào năm 2050, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) tiên phong ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm bảo vệ môi trường hướng đến tương lai bền vững.
Phát triển ngành thực phẩm bền vững: Cơ hội từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm và công nghệ xanh
Gần 8.000 sản phẩm công nghệ xanh tiêu biểu được trưng bày tại GRECO 2024
Quy tụ công nghệ số và công nghệ xanh tại Smart City Asia 2024
Hướng tới một nền công nghệ xanh, kinh tế xanh
Phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ xanh
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã khẳng định mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, một cam kết không chỉ mang tính chính sách mà còn đặt ra những thách thức lớn cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành VLXD. Chính phủ đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách phát triển VLXD theo hướng bền vững, xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Một trong những bước đi quan trọng được thể hiện qua chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng tới năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020. Theo chiến lược này, mục tiêu giảm 8% phát thải CO2 vào năm 2030 so với hiện tại đặt ra yêu cầu tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu và nhiên liệu.
Ngành VLXD ứng dụng công nghệ để chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết, từ sau thời kỳ đổi mới, ngành VLXD đã có bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế với chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Trong xu hướng chuyển đổi xanh, ngành không ngừng áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm giảm tác động đến môi trường. Những VLXD xanh như gạch không nung, sơn sinh thái, và các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã và đang được ứng dụng rộng rãi, giúp kéo dài tuổi thọ công trình và giảm chi phí vận hành.
Đặc biệt, sự xuất hiện của các sản phẩm có thể tái chế và ít gây ô nhiễm đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất để tích hợp các giải pháp công nghệ xanh. Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất cửa, lưới chống côn trùng như Công ty TNHH Cơ kim khí Quang Minh đã liên tục cải tiến mẫu mã, tăng giá trị sử dụng, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu phụ kiện và cửa thành phẩm sang các thị trường quốc tế như India, Bangladesh, Brazil, New Zealand và Australia.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như ESG (môi trường – xã hội – quản trị minh bạch) đang được triển khai mạnh mẽ trong ngành VLXD. Thực hiện ESG giúp các doanh nghiệp không chỉ kiểm soát chất lượng sản xuất mà còn đảm bảo trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và hướng tới mục tiêu Net Zero. Các chính sách về ESG đang là công cụ đắc lực để Chính phủ và doanh nghiệp cùng nhau thực hiện chiến lược phát triển bền vững, giảm lượng khí thải carbon và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Kinh tế tuần hoàn – chìa khóa mở rộng thị trường quốc tế
Ngành VLXD có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước, với tổng giá trị doanh thu hàng năm ước đạt khoảng 50 tỷ USD và chiếm gần 12% GDP quốc gia. Xu hướng chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu nội bộ của ngành mà còn là yếu tố quyết định giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và VLXD – Bộ Xây dựng Lê Văn Kế, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp đối phó với sự cạn kiệt tài nguyên mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo đó, kinh tế tuần hoàn trong ngành VLXD được thực hiện theo hai cấp độ:
Cấp độ thấp: Tập trung vào việc áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn, thiết kế sinh thái nhằm giảm thiểu chất thải ra môi trường.
Cấp độ cao: Toàn bộ quy trình sản xuất được tối ưu hóa sao cho không phát sinh chất thải, tất cả đều được giảm thiểu, tái sử dụng hoặc tái chế.
Những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh đã nhận thấy lợi ích kinh tế rõ rệt khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đại diện Tập đoàn SCG, ông Chana Poomee – Giám đốc cấp cao Phát triển bền vững nhấn mạnh, hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp là mấu chốt để thực hiện thành công các chiến lược kinh tế tuần hoàn. SCG đã triển khai chiến lược ESG 4Plus với lộ trình bao gồm: Hướng đến phát thải ròng bằng không (Set Net-Zero), Phát triển Xanh (Go Green), Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality) và Thúc đẩy hợp tác (Embrace Collaboration). Chiến lược này đã giúp SCG không chỉ giảm lượng khí thải carbon mà còn thúc đẩy việc sử dụng các nguồn vật liệu và năng lượng bền vững.
Đáng chú ý, trong năm 2024, SCG đã ra mắt sản phẩm xi măng carbon thấp – SCG Low Carbon Super Xi măng với hiệu quả giảm 20% lượng phát thải carbon so với xi măng thông thường. Để đạt được mục tiêu này, SCG đã cải thiện quy trình sản xuất bằng cách sử dụng nhiên liệu sinh khối thay thế nhiên liệu hóa thạch và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo. Hệ thống thu hồi nhiệt thải được lắp đặt tại các nhà máy cũng góp phần giảm đáng kể khí thải carbon. Theo SCG, mỗi tấn SCG Low Carbon Super Xi măng có thể giảm lượng phát thải carbon tương đương với mức độ hấp thụ CO2 của 12 cây trưởng thành trong vòng một năm.
Sự chuyển đổi này không chỉ đến từ các doanh nghiệp lớn mà còn lan tỏa tới người tiêu dùng. Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Tống Văn Nga, nhận định rằng “ngày càng có nhiều người quan tâm và lựa chọn VLXD thân thiện môi trường”. Không chỉ các chủ đầu tư lớn, ngay cả các hộ gia đình cũng đang ưu tiên sử dụng những sản phẩm xanh như gạch không nung, sơn sinh thái và các vật liệu tiết kiệm năng lượng. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn góp phần bảo vệ môi trường, kéo dài tuổi thọ công trình và hạn chế sự xuống cấp của các công trình xây dựng.
Ông Tống Văn Nga cũng đề xuất các trường đại học và viện nghiên cứu tăng cường đào tạo về VLXD bền vững, từ đó tạo ra một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực tiễn sản xuất. Chỉ khi có sự phối hợp hiệu quả, ngành xây dựng mới có thể chuyển mình theo hướng kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Trên con đường hướng tới Net Zero và kinh tế tuần hoàn, ngành VLXD Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển. Việc áp dụng các công nghệ xanh, cải tiến quy trình sản xuất và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nếu đi đúng hướng, ngành VLXD không chỉ phát triển bền vững trong nước mà còn có thể vươn ra tầm quốc tế, góp phần khẳng định vị thế “Make in Vietnam” trên bản đồ toàn cầu.
Duy Trinh (t/h)