Ứng dụng khoa học công nghệ giải bài toán chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp

author 16:47 08/10/2019

(VietQ.vn) - Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến hết tháng 9/2019, cả nước có 1.478 mô hình chuỗi, tăng 660 mô hình so với cùng kỳ 2018; 1.462 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm soát an toàn theo chuỗi tại 63/63 tỉnh, thành phố. Cả nước cũng có hơn 14.810 hợp tác xã nông nghiệp và phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ có 11.250 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Trên 7.000 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp. Hơn 25.500 hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và hơn 619.000 hô tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn...

Nông sản Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 185 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam cũng tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản. Chín tháng năm 2019, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 30,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ.

 Việt Nam là quốc gia mạnh về lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI - ông Hoàng Quang Phòng đánh giá, Việt Nam là quốc gia mạnh về lĩnh vực nông nghiệp do có nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản mà thế giới cần. Dù vậy, nông sản Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.

“Thực tế là nông sản Việt chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu mà mới chỉ dùng lại ở mức cung sản phẩm đầu vào, phần giá trị gia tăng thấp do khâu chế biến, bao gói... chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, về tín dụng ngân hàng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản còn nhiều vướng mắc”, ông Phòng nói.

Cũng bình luận về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ. Hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.

Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp còn khó khăn.

Để thúc đẩy tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản, bà Tùng cho rằng, cần nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản đảm bảo, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang