Ứng phó với giá phân bón tăng cao trong bối cảnh xung đột Nga-Ucraina

author 16:03 09/03/2022

(VietQ.vn) - Xung đột giữa Nga-Ucraina đã tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên thế giới, giá phân bón thế giới lập tức tăng 8-12% so với thời điểm trước đó. Theo đó, thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Để hạn chế tác động tiêu cực từ xung đột Nga-Ucraina, Cục Bảo vệ Thực vật đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm duy trì đảm bảo nguồn cung phân bón.

Việt Nam nhập khẩu lượng lớn phân bón Kali và SA

Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hàng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2021, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10.709.201 tấn (tăng 4,67% so với năm 2020). Trong đó, lượng phân vô cơ 7.812.375 tấn (tăng 2,78% so với năm 2020), lượng phân bón hữu cơ 2.896.826 tấn (tăng 10% so với 2020). Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021.

Hiện nay, các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân Ure, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng; các nhà máy sản xuất DAP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Phân bón hữu cơ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Hiện các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân Ure, phân NPK.  

Tuy nhiên, phân Kali và SA vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Theo Cục Bảo vệ Thực vật, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu thêm từ 2,7 đến 3,5 triệu tấn phân bón vô cơ (ngoài lượng phân bón sản xuất trong nước), trong đó, chủ yếu là phân Kali (chiếm 25-28%, tương đương khoảng 1,1-1,2 triệu tấn) và phân SA (chiếm 25-31%, tương đương khoảng 1-1,5 triệu tấn).

Năm 2021, khối lượng phân bón nhập khẩu là 5,103.171 tấn, trong đó nhập khẩu phân SA với khối lượng 1.594.801 tấn (chiếm 31,3%), nhập khẩu phân Kali với khối lượng 1.291.739 tấn (chiếm 25,3%). Phân Kali được nhập từ 30 nước khác nhau trên thế giới: Israel 16,24%; Nga 15,13%; Lào 14,5%; Litva 11,9%; Canada 10,7%; Belarus 7,7%; Singapore 7,4%; Latvia 5%; Hồng Kong (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc, Jocdan cùng chiếm khoảng 2% lượng phân bón Kali nhập khẩu vào Việt Nam, số còn lại không đáng kể thuộc các thị trường khác.

Hai tháng đầu năm 2022, khối lượng phân bón nhập khẩu 706.769 tấn, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là Kali 248.941 tấn (chiếm 35,2%), phân SA nhập 184.737 tấn (chiếm 26,1% lượng phân bón nhập khẩu)- Cục Bảo vệ Thực vật cho hay.

Nhiều giải pháp duy trì đảm bảo nguồn cung phân bón

Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Trong năm 2021, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân Ure, NPK, amoni nitrat, xuất khẩu Kali đứng thứ ba và phosphat đứng thứ 4 trên thế giới.

Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Nga khoảng 130.000 - 380.000 tấn, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, chủ yếu nhập phân Kali, phân NPK và DAP. Lượng phân Kali nhập từ Nga khoảng 68.000-200.000 tấn/năm, chiếm từ 7,2-18,6% so với tổng lượng nhập khẩu loại phân bón này.

Năm 2021, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga là 320.045 tấn (chiếm 6,27% so với tổng lượng phân bón nhập khẩu), trị giá 123.565.465 USD (chiếm 7,74 % so với tổng giá trị phân bón nhập khẩu). Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là Kali 195.429 tấn (chiếm 15,13 tổng lượng Kali nhập khẩu), NPK 109.552 tấn, DAP 14.217 tấn.

Hai tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga 73.801 tấn, trị giá 40,390 triệu USD (chiếm 10,44% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu), trong đó nhập khẩu nhiều nhất là phân Kali 45.101 tấn (chiếm 61,1% về khối lượng phân bón nhập khẩu từ Nga và 18,12% tổng khối lượng Kali nhập khẩu).

Tình hình căng thẳng, xung đột giữa Nga-Ucraina đã tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên thế giới. Ngay sau cuộc xung đột Nga-Ucraina xảy ra ngày 24/02/2022, giá phân bón thế giới lập tức tăng 8-12% so với thời điểm trước đó. Theo đó, thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân Kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng Kali cung cấp trên toàn thế giới.

Trước biến động nguồn cung và giá phân bón trên thị trường thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga-Ucraina, nhằm duy trì đảm bảo nguồn cung phân bón, Cục Bảo vệ Thực vật kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đánh giá tình hình xuất, nhập khẩu phân bón để có biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước; khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân Kali.

Bộ Công Thương rà soát, xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Cục Bảo vệ Thực vật cũng kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, xem xét các chính sách về thuế đối với phân bón. Trước mắt, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón Urê, DAP và MAP. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là phân bón hữu cơ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang