Lạm dụng uống corticoid chữa cúm khiến phổi bội nhiễm trắng xóa

author 05:49 06/01/2023

(VietQ.vn) - Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một bệnh nhân bị viêm phổi bội nhiễm, suy đa tạng do lạm dụng uống corticoid tự điều trị cúm.

Cụ thể, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, người phụ nữ 37 tuổi bị cúm từ cuối tháng 10/2022, sốt, ngứa họng, ho, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân, uống thuốc hạ sốt và corticoid (medrol 16 mg/ngày). Ba ngày sau, sốt cao kéo dài kèm khó thở nhiều, bệnh nhân nhập viện, phải hỗ trợ thở oxy rồi thở máy.

Thông tin thêm về bệnh nhân trên, bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi vào viện tình trạng bệnh nhân đã rất nặng nề, sốt cao liên tục, sốc nhiễm khuẩn nặng, oxy máu giảm rất thấp, ảnh chụp X-quang phổi mờ trắng xóa, test nhanh cúm B dương tính. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn lượng rất cao, bạch cầu giảm trầm trọng. Xét nghiệm PCR dịch phế quản kết quả cúm B kèm bội nhiễm tụ cầu vàng.

 Hình ảnh nội soi phế quản của bệnh nhân. Ảnh: BV Bạch Mai

Bác sĩ Cường cho biết, triệu chứng giảm bạch cầu rất hay gặp ở bệnh nhân nhiễm virus, đặc biệt là nhiễm cúm và sốt xuất huyết (hai dịch bệnh đang lưu hành rộng rãi), làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Corticoid là thuốc chống viêm nhưng có tác dụng phụ là giảm sức chống đỡ của cơ thể. Việc lạm dụng thuốc này ở bệnh nhân nhiễm virus làm tăng nguy cơ bội nhiễm, nhất là các vi khuẩn kháng thuốc.

Bệnh nhân sau đó không đáp ứng với điều trị hồi sức, bác sĩ phải can thiệp ECMO cấp cứu. Trong quá trình 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy oxy liều cao, do suy giảm khả năng đề kháng, bệnh nhân rất dễ nhạy cảm với các vi sinh vật trong bệnh viện và phải điều trị nhiều đợt kháng sinh, kháng nấm. Các bác sĩ nhiều lần hội chẩn để kịp thời đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng diễn biến của bệnh nhân.

Sau hơn hai tháng điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân được ra viện. "Tuy nhiên các tổn thương phổi có thể sẽ còn tồn tại và cần phải theo dõi trong thời gian dài", bác sĩ Cường nói.

Liên quan tới thuốc corticoid, bác sĩ Cường cho biết, corticoid (hay corticosteroid) là nhóm hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, thường được sử dụng để điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau, từ các bệnh về da như kích ứng do côn trùng đốt, eczema, chàm, vẩy nến… cho đến các bệnh như viêm khớp, viêm phổi, các bệnh tự miễn như dị ứng, lupus ban đỏ hệ thống.

Do sự đa dạng trong tác dụng, corticoid thường được kê đơn và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, chính điều đó đã dẫn đến tình trạng lạm dụng corticoid trong điều trị. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Đặc biệt, tình trạng lạm dụng corticoid thường xảy ra trong điều trị cúm và các bệnh xương khớp do được trộn lẫn trong các thành phần thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc. Bác sĩ cảnh báo thuốc này phải được dùng đúng chỉ định và liều lượng. Dùng bừa bãi sẽ làm suy giảm khả năng đề kháng và rất dễ bội nhiễm vi khuẩn.

Ngoài ra việc lạm dụng Corticoid sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết.

Corticoid giữ nước và natri trong cơ thể gây phù nề, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing.

Với các trường hợp thuốc bôi ngoài da, việc sử dụng corticoid không đúng cách có thể gây làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Nếu bôi lên mặt lâu ngày, thay vì da mặt mịn màng như nhiều người lầm tưởng, da sẽ bị trứng cá đỏ, phát mụn li ti khắp mặt. Không những thế, thuốc có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân (có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm).

Để tránh tình trạng lạm dụng corticoid, mỗi người chúng ta cần có hiểu biết về công dụng cũng như tác dụng phụ của loại dược chất này. Cần đọc kĩ thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng để biết thuốc có chứa thành phần corticoid hay không. Các chất là corticoid có trong thành phần thuốc bôi ngoài da rất phong phú, thường gặp như: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluocinolone, fluticasone; beclomethasone, betamethasone, dexamethasone... Hoặc dựa vào kí hiệu để biết nhóm thuốc có chứa corticoid. Thông thường các nhóm thuốc corticoid thường có đuôi "sone" ("son") hoặc "olone" ("olon"). Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ: budesonide. Do đó, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc là rất cần thiết.

Tốt nhất, khi gặp vấn đề về sức khỏe, không tự ý mua thuốc mà cần đi khám ở những cơ sở y khoa chất lượng, sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn và kê đơn của bác sĩ. Hạn chế sử dụng các sản phẩm kem bôi ngoài da có chứa corticoid. Ngoài ra, không nghe theo những quảng cáo thuốc Đông y “chất lượng”, “tác dụng nhanh” để tránh gây hại cho bản thân.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang