Vận chuyển trên 2.000 đôi giày dép không rõ nguồn gốc

author 16:55 08/12/2021

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sơn La cho biết đơn vị vừa ngăn chặn và xử lý một xe ô tô vận chuyển lượng lớn giày dép không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sơn La cho biết, qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, mới đây tại tổ 11, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 phối hợp với phòng PC 03 (Công an tỉnh Sơn La) tiến hành khám đối với xe ô tô biển kiểm soát 26C-027.04 do ông Vũ Ngọc Trọng (lái xe kiêm chủ hàng) có địa chỉ tại tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La điều khiển.

 Lượng lớn giày dép không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Sơn La

Tại thời điểm khám, phát hiện trên phương tiện có vận chuyển 2.913 đôi giày, dép các loại; trên bao bì không thể hiện được thông tin về nơi sản xuất của hàng hoá, chủ hàng không xuất trình hoá đơn mua, bán chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá.

Đoàn kiểm tra tiến hành xác minh, làm việc kết luận ông Vũ Ngọc Trọng có hành vi hộ kinh doanh lưu động kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh và có hành vi "Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc".

Cũng tại thời điểm kiểm tra ông Vũ Ngọc Trọng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển vụ việc vi phạm hành chính vượt thẩm quyền lên Cục QLTT tỉnh Sơn La trình Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 02/12/2021 với tổng số tiền thu, phạt trên 135 triệu đồng.

Trước đó, Đội QLTT số 1 phối hợp với phòng PC 03 (Công an tỉnh Sơn La) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn do ông Nguyễn Văn Thắng làm chủ, có địa chỉ tại Tổ 3, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở kinh doanh có bày bán hàng hóa là đồ may mặc (bao gồm: 70 cái áo sơ mi nữ; 30 cái áo sơ mi nam; 15 cái quần quần bò; 20 cái áo khoác; 10 cái quần nỉ; 10 cái chân váy; 30 cái áo phông; 10 cái mũ len; 95 cái chân váy).

Toàn bộ số hàng hóa nêu trên không có nhãn hàng hoá, không có căn cứ, thông tin xác định được về nguồn gốc nơi sản xuất của hàng hoá, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp đối với hàng hoá.

Qua làm việc, Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa không rõ nguồn gốc, đồng thời ông Nguyễn Văn Thắng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, trình Đội trưởng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trị giá: 19.660.000 đồng.

Ngày 26/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” được xác định là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của HH bao gồm thông tin được thể hiện trên:

- Nhãn, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa;

- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan;

- Giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cá nhân thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm.

(Hiện hành, mức phạt tiền đối với hành vi trên cao nhất là 40 triệu đồng tùy giá trị hàng hóa vi phạm).

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang