Kiểm soát tình trạng mất an toàn trò chơi mạo hiểm tại khu du lịch: Cần những giải pháp căn cơ

author 15:00 19/12/2021

(VietQ.vn) - Tai nạn từ trò chơi mạo hiểm là thực trạng đáng báo động, việc quản lý loại hình này cần cơ chế chặt chẽ, mang tính chuyên nghiệp cao, việc quản lý rủi ro phải được quan tâm hàng đầu.

Báo động tình trạng mất an toàn trong du lịch

Hồi đầu năm 2021, sự cố tàu lượn siêu tốc văng khỏi đường ray tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (do Công ty cổ phần Ao Vua xây dựng và quản lý) nằm trên bãi nổi La Phù, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ khiến 1 học sinh tử vong, 2 em khác bị thương khi đang tham quan tại đây khiến dư luận vô cùng quan tâm. Trước đó, năm 2014, cũng tại khu du lịch này từng xảy ra tai nạn khiến 6 học sinh nhập viện. Khi đó đang có 12 học sinh một trường THCS ở Hà Nội ngồi trên chiếc đu quay. Chiếc đu quay từ trên cao hạ xuống sát mặt đất rồi tiếp tục bay vút lên thì gặp sự cố vỡ ô thủy lực nên chỉ lên cao được khoảng 2m thì rơi tự do xuống đất.

Những rủi ro xảy đến do sự thiếu chuyên nghiệp, tắc trách của không ít công ty du lịch và hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại cũng không tránh khỏi trách nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu thường xuyên, chưa sâu sát dẫn tới bị động trong ngăn ngừa, xử lý sự cố. Phần lớn trường hợp, sau khi sự cố, tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng mới biết về sai phạm của doanh nghiệp du lịch.

Những sự cố như vậy đã gây tâm lý lo ngại cho du khách khi tham gia các trò chơi mạo hiểm tại khu du lịch. Chị Nguyễn Thị Phượng (Hà Nội) đang có con là học sinh cấp 3 lo lắng: “Hầu như mùa hè nào gia đình tôi cũng đi du lịch, các bé rất thích chơi tại khu vui chơi công nghệ cao, công viên hiện đại vì có nhiều trò chơi hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn do trò chơi mạo hiểm gần đây khiến tôi rất lo lắng”.

Hồi chuông báo động về yếu tố an toàn cho du khách khi tham gia du lịch lại tiếp tục gióng lên. Việc quản lý loại hình du lịch mạo hiểm cần cơ chế đặc biệt, mang tính chuyên nghiệp cao, trong đó quản lý rủi ro phải được quan tâm hàng đầu. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạo hiểm ngoài có giấy phép riêng cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định, khai thác các nội dung trò chơi theo quy chuẩn mới được hoạt động.

Tiêu chuẩn chất lượng cần được coi trọng trong các trò chơi mạo hiểm.

Đầu tư bạc tỷ sao du lịch vẫn không an toàn?

“Mất an toàn trong du lịch rất dễ xảy ra do phương tiện di chuyển chưa đồng bộ về chất lượng, không được bảo dưỡng thường xuyên. Không chỉ vậy, dịch vụ hay trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí còn chưa thực sự an toàn, vẫn còn tình trạng sự cố gây nguy hiểm, thậm chí gây tử vong” - anh Nguyễn Trọng Nghĩa, hướng dẫn viên du lịch của Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam chia sẻ.

Chưa hết, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch lãng quên việc tu sửa, kiểm tra chất lượng khi đón khách, thiếu sự quan tâm đối với chất lượng, dịch vụ mang đến cho du khách, hay quan tâm theo kiểu hời hợt, vì lợi ích kinh doanh mà bỏ qua sự an toàn đối với khách du lịch.

Theo quy định, việc cấp phép khu vui chơi do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp tỉnh/thành phố cấp phép. Tuy nhiên, Sở chỉ quản lý về giá cả dịch vụ, cơ sở lưu trú, còn chất lượng và độ an toàn của trò chơi trong khu vui chơi thì gần như không có chuyên môn để kiểm tra.

Các trang thiết bị thường do một đơn vị kiểm định và đưa vào hoạt động. Cơ quan nhà nước chỉ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu và ít khi thẩm định lại hoặc kiểm tra bằng cảm quan. Điều này rất dễ nảy sinh lỗ hổng khi trang thiết bị không đủ tiêu chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Trên thực tế vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp cố tình lách luật, thiếu nghiêm túc trong chấp hành, thậm chí phớt lờ quy định pháp luật. Không ít đơn vị vì lợi nhuận sẵn sàng mở tour kinh doanh “chui” hoặc kém chất lượng mà chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề bảo đảm an toàn. Thậm chí, một số đơn vị còn tự ý khai thác các điểm du lịch chưa được cấp phép, né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng.

Không chỉ vậy, sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp của không ít công ty du lịch và hướng dẫn viên cũng dẫn đến rủi ro. Bên cạnh đó, cũng có sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại. Công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu thường xuyên, chưa sâu sát dẫn tới bị động trong ngăn ngừa, xử lý sự cố. Phần lớn các trường hợp, sau khi sự cố, tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng sở tại mới biết về sai phạm của doanh nghiệp du lịch.

Giải pháp “đạo đức” vẫn là quan trọng nhất

Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang ưu tiên giữ an toàn trong tình trạng dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và đang chú trọng phát triển du lịch trong nước, những tai nạn nêu trên càng gây thêm khó khăn cho nỗ lực hồi phục và kích cầu du lịch trong nước. Vì vậy, ngành du lịch cần xây dựng những cơ chế đặc biệt, chặt chẽ, sâu sát, việc quản lý rủi ro phải được đưa lên hàng đầu. 

Vấn đề quan trọng cấp thiết để làm giảm tai nạn du lịch đó là đẩy mạnh vai trò giám sát của cơ quan chức năng địa phương đối với các điểm du lịch, thường xuyên kiểm tra, giám sát. Xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm đảm bảo an toàn cho khu du lịch trong quá trình hoạt động.

Điều 6, quy tắc ứng xử trong du lịch của UNWTO quy định “những nhà hoạt động du lịch chuyên nghiệp trong phạm vi trách nhiệm của mình phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, an toàn thực phẩm cho khách du lịch. Đề phòng tai nạn cho khách du lịch khi sử dụng dịch vụ của mình...".

Ngoài ra, các chế tài xử lý phải đủ sức răn đe để ngăn chặn kịp thời hành vi kinh doanh tour trái phép, kém chất lượng. Các cơ quan chức năng phải thực hiện thủ tục kiểm định gắt gao đối với doanh nghiệp cung cấp tour du lịch mạo hiểm nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho du khách. Việc tuân thủ chặt chẽ quy định về kiểm định chất lượng các trò chơi hàng năm cũng cần được doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt.

Trong mọi giải pháp thì đạo đức của những người làm du lịch vẫn là quan trọng nhất. Mọi nguyên tắc, luật lệ nói chung được đề ra nhằm bảo vệ các giá trị đạo đức thì trong du lịch cũng vậy. Trước khi bàn đến câu chuyện pháp lý thì đạo đức của chính những người kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành phải được đặt lên hàng đầu. Sự cẩn thận, trách nhiệm trong quản lý, xây dựng, trùng tu, bảo dưỡng… sẽ hạn chế đáng kể tai nạn đáng tiếc xảy ra và ngược lại. Tất nhiên, sự cố là ngoài ý muốn và có rất nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra song vì sự an toàn của du khách và đạo đức làm du lịch, những “người trong cuộc” trước tiên vẫn là phải làm tốt trách nhiệm của mình.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang