Vấn nạn kinh doanh trên chợ mạng: Buôn thúng, bán mẹt cũng 'vô tư' tư vấn bán thuốc, thực phẩm chức năng

author 11:43 25/03/2022

(VietQ.vn) - Hiện nay, rất nhiều bà mẹ bỉm sữa, tiểu thương buôn thúng, bán mẹt không có chuyên môn, nghiệp vụ vẫn vô tư kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng trên chợ mạng.

Những năm gần đây, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, thương mại điện tử bùng nổ, “thượng vàng hạ cám” sản phẩm đều được giao dịch trên những nền tảng điện tử. Chính sự phát triển nóng như vậy khiến thị trường xáo trộn, nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… được dịp hoành hành. Trong đó, vấn nạn buôn bán tư trang y tế, thực phẩm chức năng, thậm chí là thuốc điều trị bệnh đang ngày càng phổ biến dù người kinh doanh không có chuyên môn hay chứng chỉ hành nghề… tiềm ẩn hệ lụy khôn lường.

Cụ thể, một người bán hàng tên “Đinh Hà” đăng bán thuốc trị cảm cúm Nhật Bản. Theo người này, thuốc có 2 loại, loại viên có 210 viên, loại bột có 46 gói, điều trị các bệnh cảm cúm, ho khan, sổ mũi, đau đầu... Thành phần chính trong gói thuốc cúm bào chế 100% từ thiên nhiên nên trị tận gốc bệnh.

 TPCN được bán tràn lan trên mạng, chất lượng khó kiểm soát.

Người bán hàng khác cũng đăng bán viên uống An cung ngưu hoàng loại 60 viên với giá 950 nghìn đồng. Theo bài quảng cáo, sản phẩm này dùng cho người có tiền sử bệnh cao huyết áp, người bị tiểu đường, người cao tuổi. Sản phẩm có công dụng bổ não, ngăn ngừa máu đông, lưu thông khí huyết.

Theo hướng dẫn, đối với người uống phòng tai biến sử dụng từ 2-3 hộp/1 năm, chia làm 3 đợt, cách 2 tháng dùng 1 liệu trình. Đối với trường hợp đã bị tai biến hoặc đột quỵ thì dùng 1 viên/1 ngày sau bữa ăn 30 phút, sau khi thể trạng tốt dần dùng 1-3 ngày/1 viên, kèm theo đó là slogan “Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân khi quá muộn”.

Thậm chí, thuốc điều trị Covid-19 Molravir 400 cũng được rao bán tràn lan trên mạng. Theo hướng dẫn từ người bán, Molravir 400 ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên, mỗi người dùng 1 liệu trình tương đương 1 hộp. Thuốc Molnupiravir có tác dụng kháng virus, được xem là ''vũ khí'' quan trọng trong điều trị F0 tại nhà.

 Không bằng cấp, chuyên môn vẫn đăng bán thuốc trị Covid-19 trên chợ mạng.

Ngoài ra, còn rất nhiều cá nhân khác cũng đăng bán đủ loại thuốc, TPCN trên mạng xã hội. Theo tìm hiểu của PV, tại trang Facebook đăng rất nhiều sản phẩm như: trái cây, mỹ phẩm, hàng gia dụng... đa số người bán không có chuyên môn, bằng cấp, không có trang phục ngành y tế... nhưng vẫn đăng bài bán hàng như nhân viên y tế chuyên nghiệp.

Tiếp cận một người bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, người này cho biết không có kiến thức ngành y song vẫn bán các mặt hàng y tế là do làm cộng tác viên từ một người khác. “Hàng ngày, tôi copy bài đăng của chị ý để đăng bán, khi khách hỏi công dụng thì lên mạng đọc để tư vấn, hoặc theo bài đăng có sẵn. Về nguồn hàng người ta lấy đâu thì tôi không rõ...”, người bán thừa nhận.

Người bán hàng cũng hồn nhiên cho rằng, các loại thuốc chị bán đều là thảo dược, nguồn gốc tự nhiên nên lành tính, không gây nguy hiểm cho người sử dụng. 

Thậm chí, khi trong vai người có nhu cầu mua thuốc trị Covid-19, PV liên hệ mua một số thuốc, TPCN nhưng người bán hàng chỉ bán trên mạng, không bán trực tiếp, khách muốn mua phải đặt hàng theo hướng dẫn. Khi PV lo ngại về chất lượng sản phẩm, người bán đều khẳng định thuốc mình bán là chính hãng, chỉ cần sử dụng theo hướng dẫn sẽ khỏi bệnh...

Thông qua nội dung trên có thể thấy chưa bao giờ mua thuốc, TPCN dễ dàng như hiện nay. Người bán hàng dù làm nghề gì đi nữa cũng có thể đăng bán thuốc, TPCN theo “ngẫu hứng”. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm khó kiểm chứng và người mua thì truyền tai nhau theo dạng mua của người quen, không phải lo về chất lượng.

Vậy, bán thuốc online, TPCN cần đáp ứng quy định nào, người bán hàng không có bằng cấp chuyên môn sẽ bị xử lý ra sao? Chúng tôi sẽ phản ánh ở bài sau.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang