Vay tiêu dùng - Bẫy hiểm dễ dính nợ "khủng"

author 12:18 22/03/2014

Xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm, hình thức vay tiêu dùng hoặc mua hàng trả góp đang được một số ngân hàng (NH), các tổ chức tài chính (TCTC) đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị, nhằm gia tăng lượng khách hàng tham gia cũng như đẩy cao doanh số.

Quảng cáo "rầm rập"

Vay tiêu dùng trong thời gian qua được nhiều NTD lựa chọn. Nó giúp người mua hàng có thể lựa chọn và sở hữu ngay sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, thường là những dịch vụ cho vay mua hàng trả góp. Ông Tiến Dũng, ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai, cho biết, ông vừa mua chiếc laptop trả góp cho con gái trị giá hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, ông mới chỉ phải trả có gần 4 triệu đồng, số tiền còn lại được trừ dần trong 12 tháng, mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. "Chênh lệch tổng số tiền phải trả tuy lên đến vài triệu đồng nhưng cháu lại có máy tính sử dụng phục vụ cho học tập luôn. Quan trọng nhu cầu của mình được thỏa mãn luôn, đỡ phải chờ đợi", ông Dũng chia sẻ.

Một số NTD đều chung suy nghĩ như vậy, họ coi việc mua hàng trả góp là một trong những hình thức tiện lợi, đáng được hoan nghênh và ủng hộ. Vì thế, sự xuất hiện của hàng loạt Cty về cho vay tiêu dùng như PPF,... Điểm tiện lợi của những Cty này là thủ tục gọn nhẹ và đơn giản, đối tượng khách hàng không bị "hạn chế".
Không kém cạnh, nhiều NH cũng "đổ xô" mở rộng việc phát hành thẻ tín dụng, một hình thức tiêu dùng trước, trả tiền sau. Hàng loạt nhân viên phát triển thẻ sử dụng mọi "chiêu trò" để quảng cáo, giới thiệu đến khách hàng. Nhiều cuộc điện thoại "dồn dập", nhiều tin nhắn "bao phủ kín" điện thoại của khách hàng.

Cho vay tiêu dùng

Cho vay tiêu dùng diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Chị Kim Phượng, ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, cho biết, nhiều khi đang đi đường hoặc ngủ trưa lại nhận được những tin  nhắn giới thiệu về chương trình phát hành thẻ tín dụng. Lúc thì ghi của NH ANZ, lúc lại là thẻ tín dụng Shihanbank Visa. "Không biết bằng cách nào họ có số điện thoại của tôi để rồi quấy rầy", chị Phượng cho biết thêm.

Có thể thấy, việc phát hành các loại thẻ tín dụng, những hình thức vay mua hàng trả góp đang ngày càng "nở rộ". Nhiều Cty, NH tung ra đủ "chiêu trò" hấp dẫn" nhằm "hút" khách hàng lựa chọn và sử dụng dịch vụ của họ. Tiện lợi là vậy nhưng trong quá trình sử dụng, những phiền phức mà NTD gặp phải lại ít được nhân viên tư vấn ngay lúc ban đầu.

Dễ "tiêu" nên hay "mắc"

Sự tiện lợi cũng như những mặt tích cực mà vay tiêu dùng mang lại là điều không thể phủ nhận. Nó giúp một số NTD, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình - thấp, thuận lợi hơn trong việc mua sắm sản phẩm, hàng hóa.

Sản phẩm mà các NH, TCTC thường mời chào, tư vấn khách hàng là một số loại thẻ tín dụng. Thủ tục đăng ký làm thẻ khá đơn giản, lại nhận thêm những ưu đãi đặc biệt khiến nó trở nên hấp dẫn với NTD. Điều này lý giải vì sao một số NTD lại cùng một lúc có trong tay không chỉ một, hai, mà thậm chí còn 7-8 thẻ tín dụng. Điều đó khiến cho một lượng thẻ "ảo" xuất hiện trên thị trường, khiến cho lượng phát hành thẻ tín dụng của các NH tăng đột biến trong những năm gần đây.

Nhưng nó cũng lại là một "nỗi lo" của không ít NH, TCTC, bởi đồng nghĩa với lượng thẻ "ảo" tăng, họ đứng trước nhiều nguy cơ phải "gánh" trên vai một khoản nợ xấu "khổng lồ" do việc cho vay "vô tội vạ" mang lại. Thông thường, thủ tục để đăng ký làm thẻ tín dụng chủ yếu dựa vào số CMND, hộ khẩu, bảng lương có xác nhận của Cty hoặc bản sao kê bảng lương tại NH. Mức vay chi tiêu hay nói cách khác là hạn mức vay của thẻ phụ thuộc vào mức thu nhập bình quân tháng của NTD. Ai lương cao thì sẽ được vay tiêu dùng nhiều và ngược lại.

Tuy nhiên, với việc sử dụng các thẻ tín dụng của 7-8 đơn vị khác nhau đồng nghĩa với việc NTD có thể sử dụng và chi tiêu vượt quá mức lương. Với những người quen "vung tiền" thì đây là điều khá nguy hiểm, bởi khả năng trả nợ sẽ rất khó. Hơn nữa, nhiều NTD không nắm được hết các quy định ràng buộc trong việc mở thẻ tín dụng, như hạn thanh toán cũng như mức lãi suất nếu chậm thanh toán so với quy đình. Điều này khiến cho một số NTD từ khách hàng dần trở thành "con nợ" của NH, TCTD, bởi họ cứ phải chạy theo "đuôi" để trả tiền gốc và tiền lãi quá hạn cao ngất ngưởng.

Lãi suất thông thường áp dụng cho 1 chu kỳ khoảng 1 tháng là 2-4%, tùy theo từng mức tiêu dùng. Phần lớn, lãi suất được tính trên số dư đầu tiên, đều cho các tháng chứ không phải được giảm dần theo thời gian trả. Điều này khiến cho lãi suất thực hàng tháng cao hơn nhiều so với mức 2-4% trên.

Điểm nữa mà nhân viên tư vấn ít "chia sẻ" với khách hàng, đó là khi dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt sẽ phải trả phí khá cao, thường từ 6-7% số tiền rút ra. Nhiều khách hàng khi "bí tiền" đã sử dụng thẻ này nhưng không ngờ lại vừa chịu phí rút tiền vừa phải trả lãi vay từ thẻ, thành ra đã thiệt lại càng thiệt hơn.

Nhìn chung, có khá nhiều điều kiện, quy định về sự ràng buộc, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa NH, TCTD và khách hàng nhưng khi tư vấn, phần lớn nhân viên phát triển thẻ không nói hết điểm mạnh và điểm yếu. Trong khi đó, NTD chủ yếu chỉ quan tâm đến việc làm cho nhanh một cái thẻ tín dụng để sử dụng, chứ cũng không cần nghiên cứu và tìm hiểu xem mức độ cần thiết cũng như những quy định ràng buộc khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều tranh chấp giữa NH, TCTD và NTD.

Cho vay trả góp 0%?

Đây cũng là một hình thức đang được nhiều cửa hàng, siêu thị liên kết với NH, TCTD để đưa ra chương trình "ưu đãi" này. 0% là mức lãi suất vay được nhiều NTD quan tâm, đặc biệt trong nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, thực hư về mức lãi 0% này ra sao thì chưa có nhiều NTD được biết.

Thực tế, giá bán của những sản phẩm, hàng hóa đó so với thị trường bên ngoài thường cao hơn khá nhiều. Trong khi điều kiện cơ bản thường thấy là NTD phải có thẻ tín dụng của một NH nào đó. Tính đi tính lại thì cả cửa hàng, siêu thị và NH đều có lợi. Về phía NH, họ có cơ hội phát triển thêm thẻ tín dụng, lôi kéo thêm  nhiều NTD vào "bẫy tiêu dùng". Trong khi đó, cửa hàng, siêu thị vẫn có dư lợi nhuận từ giá bán và lại tạo chương trình để kích cầu.

Về phía NTD, họ thường bị "mê hoặc" bởi những con số, đặc biệt là lãi suất trả góp 0%. Điều đó tạo cho họ cảm giác đang được hưởng nhiều quyền lợi hấp dẫn.

Theo ông Phạm Văn Hùng, GĐ siêu thị điện máy Thái Sơn, việc cho vay tiêu dùng đang được các NH, TCTD mở rộng bởi hoạt động tín dụng này đánh đúng vào tâm lý của đại đa số khách hàng, đặc biệt là những người có mức thu nhập trung bình thấp, muốn bỏ ra số tiền nhỏ để có ngay một sản phẩm, hàng hóa ưa thích. Thông thường, đối tượng vay tiêu dùng gồm có 2 dạng: Thứ nhất, những người vay với mục đích tiêu dùng, mua sắm vật dụng cá nhân. Họ thường là những người có thu nhập trung bình thấp hoặc không có thu nhập nhưng muốn mua một vật dụng có giá trị ngay lập tức, trong khi số tiền mua vật dụng lại chưa có đủ. Những khách hàng này thường là nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên...

Thứ hai, một số người vay với mục đích không rõ ràng, nhiều người cứ làm nhiều thẻ lấy tiền này để kinh doanh - buôn bán hoặc tiêu xài. Dạng đối tượng này dễ mang lại "rủi ro" cho NH, TCTD bởi khả năng chi trả thấp.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến họ rất dễ rơi vào tình trạng "nợ xấu". Trong khi đó, nhiều NTD lại chưa có nhiều hiểu biết cũng như kinh nghiệm khi sử dụng các loại thẻ tín dụng. Đồng thời, "buông thả" trong việc chi tiêu, bất chấp hậu quả sau này. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các NH, TCTD để có định hướng rõ ràng trong việc phát triển hình thức vay tiêu dùng, đặc biệt là thẻ tín dụng cũng như cho vay mua hàng trả góp. Làm được điều đó, quyền lợi NTD mới thực sự được đảm bảo. Đồng thời, đảm bảo an toàn về "nợ xấu" cho các NH, TCTD.

Luật sư Ngọc Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định, chúng ta cần phải xem lại biện pháp quản lý và kiểm soát việc phát hành thẻ tín dụng, chứ không nên để tình trạng mở và cấp phát thẻ một cách ồ ạt như hiện nay. Điều đó khiến cho NH, TCTD rất dễ "dính" nợ xấu.Đáng nói, khi tư vấn thẻ đối với khách hàng, nhân viên tư vấn cần phải nêu những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng, tránh chỉ "vẽ lên" bức tranh đẹp để rồi NTD sau đó bị "cuốn hút" rồi dần biến mình thành "con nợ". Việc "vung tay" quá trán có thể khiến NTD rơi vào tình trạng "nợ nần" bất kỳ lúc nào nếu như không có một kế hoạch chi tiêu cụ thể."Nhiều NTD đã phải chịu những khoản lãi suất "khủng", phải "nai lưng" ra để trả nợ cho những "hậu quả" mà mình gây ra. Thậm chí, nhiều người "tiêu pha" quá mức dẫn đến mất khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ đối diện với vòng lao lý", bà Tú nói thêm.

Theo PLXH

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang