Vay tiêu dùng bùng nổ thời Covid-19 nhiều người 'khóc dở mếu dở' vì bị lừa đảo

author 13:30 08/09/2021

(VietQ.vn) - Đứng trước nhiều khó khăn chưa từng có do dịch bệnh Covid-19 nhiều gia đình cạn kiệt kinh tế buộc phải lựa chọn vay tiêu dùng. Tuy nhiên theo cảnh báo của Bộ Công Thương, cần tỉnh táo kẻo mắc bẫy.

Đại dịch Covid-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế chung của đất nước, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm. Đứng trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm dừng đối với tình hình kinh tế nói chung và tình trạng việc làm nói riêng do đại dịch Covid-19 gây ra, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại. So với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không đảm bảo, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sau khi cầm số tiền trong tay nhiều người mới phát hiện mình đã “sập bẫy” vay tiêu dùng lãi suất cao hoặc rơi vào tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử, do công việc gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, chị L. (Bắc Giang) nhận được một tin nhắn thông báo được vay số tiền tối đa 40 triệu đồng từ một số điện thoại giới thiệu công ty tài chính Sanv… Cũng biết về các app vay tiền lãi suất cao nhưng chị cứ nghĩ vay qua các công ty tài chính này sẽ ổn hơn nên đã liên hệ theo số điện thoại được nhân viên hướng dẫn cung cấp CMND và địa chỉ thường trú cùng tên và số điện thoại người thân trên một trang web có tên Tien...

"Sau khi cung cấp các thông tin cần thiết, chị được một nhân viên liên hệ thông báo sẽ giải ngân cho vay số tiền 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày nhưng số tiền vay sẽ bị trừ phí 700.000 đồng. Sau khi được giải ngân tiền vay thì chị nhận được thông tin thông báo về số tiền sẽ phải trả sau 30 ngày đó là 15.100.000 đồng (lãi suất 51%/1 tháng, tương đương hơn 600%/1 năm). Vì đã lỡ vay nên giờ chỉ còn cách ngồi 'khóc mếu' mà không biết làm thế nào, chị L. chia sẻ.

Nhiều người 'sập bẫy' kẻ chiếm đoạt tài sản khi vay tiêu dùng thời dịch Covid-19. Ảnh minh họa 

Tiếp đến, theo đơn trình báo của anh M.C.N (SN 1997, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) gửi Công an quận Tân Phú, về việc anh nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, giới thiệu cho vay vốn. Do đang mất việc làm ở nhà vì ảnh hưởng dịch Covid-19, anh N đã liên lạc với người này qua tài khoản Zalo tên "SKYE" để vay 35 triệu đồng. Người này giới thiệu là công ty tài chính SkyCredid , đồng thời hướng dẫn thủ tục vay tiền.

Đối tượng yêu cầu anh N tải ứng dụng SkyCredid về điện thoại di động và phải chuyển 3,5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng chỉ định mang tên Huynh Van Tan để làm hồ sơ vay, nhưng sau đó anh N không nhận được tiền vay. Điểm chung của những trường hợp lừa đảo này là đều không quan tâm nhiều đến hồ sơ vay, lịch sử tín dụng, thu nhập để xem xét khả năng trả nợ - điều mà các ngân hàng, công ty tài chính luôn xem xét rất kỹ khi quyết định cho vay.

Thông tin về các vụ lừa đảo trên, đại diện một số ngân hàng cho biết, tình hình gian lận và lừa đảo vay tiêu dùng có xu hướng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi như đánh cắp giấy tờ tùy thân để làm giả hồ sơ vay; lừa lấy mã OTP để rút tiền; giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính. Các đối tượng lợi dụng người dân có nhu cầu vay nhưng thiếu hiểu biết về điều kiện, thủ tục vay để lừa họ vào bẫy.

Còn theo nhận định của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm. Báo cáo tình hình lao động, việc làm Quý 1/2021 cho biết, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Trong bối cảnh này, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch. Vì một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, so với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không bảo đảm, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng. Dù vậy, người vay cần tìm hiểu kỹ để tránh những hậu quả không đáng có.

Cụ thể, Hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và tổ chức tín dụng là hợp đồng dân sự, người vay phải ký hợp đồng vay tiêu dùng bằng văn bản với tổ chức tín dụng, bởi mọi hình thức giao kết khác như bằng lời nói, hành vi cụ thể... sẽ dẫn đến việc hợp đồng đó vô hiệu về hình thức theo quy định của pháp luật dân sự.

Khi nhận được dự thảo hợp đồng do tổ chức tín dụng cung cấp, người vay cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng, lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình như thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; các loại phí khác mà người vay phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định).

Đáng chú ý, khách hàng cần lưu ý và cân nhắc một số điểm quan trọng: Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức; Lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi; Các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; Các loại phí khác mà khách hàng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định); Theo quy định tại hợp đồng, khách hàng có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này...

"Người vay nên chủ động tìm hiểu thật kỹ, cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ" - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.

Trong khi đó, công ty tài chính có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, công ty tài chính phải thực hiện niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, khi nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, cho vay tiêu dùng là ngành có nhiều cơ hội bứt phá. Cùng với đó, với định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, trong đó có tín dụng cá nhân của các tổ chức tính dụng; định hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và cả những năm về sau.

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, các công ty tài chính kỳ vọng, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trung bình các nước trong khu vực với tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang