Vì sao Sở Y tế TP.HCM thu hồi khẩn văn bản nêu tên 2 loại thuốc điều trị COVID-19?

author 06:38 04/08/2021

(VietQ.vn) - Sở Y tế TP.HCM vừa cho thu hồi khẩn cấp văn bản có nội dung chỉ định cụ thể 2 tên thuốc điều trị COVID-19 (kèm theo đó là tên nhà sản xuất, nhà phân phối hai loại thuốc này).

Ngày 3/8, Sở Y tế TP.HCM ban hành văn bản khẩn (số 5216) về việc “mua thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19” gửi đến các bệnh viện trực thuộc, bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 về việc mua thuốc để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia điều trị COVID-19 đã chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn sử dụng 2 thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống để trị bệnh nhân hiệu quả, kịp thời cứu nhiều người.

Cụ thể là thuốc Medrol (hoạt chất Methylprednisolone) 16 mg của Công ty Pfizer (thuốc kháng viêm) sáng uống 1 viên và thuốc Xarelto (hoạt chất Rivaroxaban) 20 mg của Công ty Bayer (thuốc kháng đông) sáng uống 1 viên. Thuốc này chống chỉ định cho bệnh nhân có rối loạn đông máu và viêm loét dạ dày nặng.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị mua gấp thuốc trên để kịp thời điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Nơi cung ứng hai loại thuốc trên là Công ty Cổ phần dược liệu Trung ương 2 (Công ty Phyto Phamar). Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ Phòng Nghiệp vụ Dược để được hướng dẫn kịp thời.

Nội dung công văn vừa ban hành đã ngay lập tức phải thu hồi của Sở Y tế TP.HCM. 

Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra những vấn đề bất cập trong nội dung văn bản vừa ban hành, ngay trong chiều 3/8, Sở Y tế TP.HCM đã hỏa tốc thu hồi. Mặt khác, chiều 3/8 Sở Y tế đã ban hành văn bản số 5279 thay thế cho văn bản số 5216 ban hành trước đó. Nội dung văn bản thay thế không nêu cụ thể tên các loại thuốc mà chỉ nêu ra các hoạt chất để bệnh viện thực hiện.

Văn bản yêu cầu các đơn vị sử dụng các loại thuốc có hai hoạt chất nêu trên căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và phác đồ của Bộ Y tế, Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện nghiên cứu xem xét phê duyệt, xây dựng phác đồ điều trị có sử dụng các thuốc nói trên tại đơn vị. Việc sử dụng các thuốc trên phải tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Việc mua sắm các loại thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 phải theo Luật đấu thầu. Nghiêm cấm các nhà thuốc trên địa bàn thành phố bán các thuốc nêu trên khi không có đơn hợp lệ của bác sĩ. Sở Y tế sẽ xử phạt nghiêm minh các cơ sở kinh doanh có hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý các thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo quy định.

Mặc dù đã được thu hồi, tuy nhiên, dư luận vẫn có những ý kiến tranh luận xoay quanh văn bản này. Nhiều người bày tỏ băn khoăn về việc tại sao Sở Y tế TP.HCM lại chỉ định mua hai loại thuốc trên của Công ty Phytopharma trong khi còn nhiều loại thuốc generic (thuốc hết bản quyền) rẻ hơn? Tại sao một văn bản hành chính được ban hành lại chỉ định liều dùng, trong khi việc này phải là của nhà sản xuất? Theo quy định, Sở Y tế chỉ nên ghi hoạt chất để các đơn vị tự lựa chọn nhà sản xuất khi nhập mua nhưng tại sao trong văn bản lại ghi cụ thể tên thuốc?

Trước đó, vào ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành công văn 5944 về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Phụ lục công văn Bộ Y tế liệt kê danh sách 12 loại thuốc cổ truyền, sản phẩm phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19. Bộ yêu cầu căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh, tùy mức độ mà sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố 9 sản phẩm được liệt kê vào nhóm thuốc sát khuẩn không khí, thuốc xịt họng, sát khuẩn tay trong phòng COVID-19; 5 sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, ngay khi công văn được ban hành đã nhận nhiều kiến trái chiều. Ngay sau đó, ngày 26/7, Bộ Y tế có quyết định thu hồi công văn 5944 chỉ sau 2 ngày được ban hành.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang