Việt Nam có quyết tâm rất cao đối với truy xuất nguồn gốc

author 06:23 25/08/2020

(VietQ.vn) - Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam có quyết tâm rất cao đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, một nhu cầu đòi hỏi bắt buộc, từ sản xuất cho đến thương mại trong và ngoài biên giới, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, trong đó nông sản được xem là còn dư địa lớn đối với thị trường 500 triệu dân. Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU.

Cụ thể, theo thống kê từ Bộ Công Thương, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải... Một số sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường kỹ tính này khi đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng cho mặt hàng nông sản chất lượng cao như chứng nhận Organic, Rainforest, Fairtrade...

EU cũng cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận...

Giới chuyên gia nhận định, các sản phẩm trên đều là mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing sản phẩm để tận dụng ưu đãi từ EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu vào EU.

Việt Nam có quyết tâm rất cao đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa. 

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục trao đổi hỏi đáp và cung cấp thông tin sớm nhất, cụ thể nhất, với mục tiêu nhắm tới là phải hài hòa các tiêu chuẩn. Đơn cử, trong ngành hiện có khoảng 1.100 tiêu chuẩn, 258 quy chuẩn. Tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn này đều phải rà soát hàng năm và cần bổ sung. Với mỗi doanh nghiệp, điều cần thiết là sản phẩm xuất khẩu phải vượt qua được nhiều hàng rào kỹ thuật, nếu không chuẩn hóa quy trình sản xuất, sản phẩm không đạt chất lượng thì không thể hội nhập được.

Đặc biệt, nói về câu chuyện truy xuất nguồn gốc với nông sản Việt, ông Quốc Toản đánh giá, ngành nông nghiệp đang xử lý câu chuyện này ngày càng hiệu quả. Việt Nam có quyết tâm rất cao đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, một nhu cầu đòi hỏi bắt buộc, từ sản xuất cho đến thương mại trong và ngoài biên giới. Đến nay, trồng trọt đã cấp mã số 1.170 vùng trồng, đó là cố gắng rất lớn. Riêng cá tra, các địa phương đã cấp khoảng 5.565 mã số ao. Ngoài ra, hiệp định trong lâm sản cũng là biện pháp bắt buộc để đạt chuẩn hóa sản phẩm lâm sản khi xuất khẩu sang EU.

Việt Nam hiện có 41 địa phương đang làm nông nghiệp hữu cơ, với 118.000 ha đất hữu cơ đạt chuẩn. Về thể chế, ta đã có Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ cũng đã ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Như vậy, khung khổ pháp lý để hội nhập, gia tăng giá trị trong ngành nông nghiệp chúng ta đã có, việc còn lại là phải làm cho tốt và tốt hơn nữa.

Nhiều địa phương triển khai công tác quản lý hàng hóa qua truy xuất nguồn gốc(VietQ.vn) - Tận dụng sự ưu việt của công nghệ truy xuất nguồn gốc trong quản lý chất lượng hàng hóa, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai tốt hoạt động này, trong đó có sự đồng hành của doanh nghiệp.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang