Việt Nam gửi sang các nước hơn 1 triệu chứng nhận xuất xứ

author 05:58 06/10/2021

(VietQ.vn) - Luỹ kế đến ngày 15/9/2021, tổng số chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 412.177 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.078.404 C/O.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong quý III/2021, cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, theo đó, đã có 7 thủ tục hành chính (TTHC) mới được triển khai với 183.715 hồ sơ được xử lý với 1.628 doanh nghiệp tham gia. Đến ngày 15/9/2021, có 233 TTHC của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 4,08 triệu hồ sơ của hơn 49,35 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã hoàn thành “Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa”. Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan chuẩn bị, phấn đấu hoàn thành, trình Chính phủ vào tháng 1/2022.

Ngành hải quan tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Luỹ kế đến ngày 15/9/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 412.177 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.078.404 C/O…

Liên quan đến triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu; đang đàm phán trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand.

Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng (KTCL) và kiểm tra an toàn thực phẩm (KTATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu.

Nghị định là cơ sở cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, dự thảo Nghị định sẽ thay thế các quy định hiện hành về KTCL, KTATTT đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đề xuất các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, xử lý.

Tính đến ngày 15/8/2021, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung được 29/38 văn bản (hoàn thành 76,3% kế hoạch), ban hành 48/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS (chiếm 80% kế hoạch) và hoàn thành nhiệm vụ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 22/22 nhóm hàng theo yêu cầu cải cách của lãnh đạo Chính phủ.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang