Bộ Công Thương: Áp dụng thuế chống bán phá giá 1 số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia

author 06:09 05/10/2021

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá đối với 1 số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 2217/QĐ-BCT rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt được phân loại theo mã HS 2922.42.20 có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia; mã vụ việc AR01.AD09.

Trước đó, ngày 22/7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1933/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.

Kết quả điều tra theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Luật quản lý Ngoại thương cho thấy, hàng nhập khẩu bán phá giá đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

 Áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia. Ảnh minh hoạ

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, sau 1 năm kể từ ngày áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức, các bên liên quan có quyền nộp hồ sơ đề nghị rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Để đảm bảo lợi ích cho tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các tổ chức, cá nhân đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc rà soát để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình tiến hành rà soát, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung rà soát; hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra rà soát.

Cũng trong tháng 7, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1900/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ polyme propylen (màng nhựa BOPP) có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Mức thuế chống bán phá giá đối với màng nhựa BOPP của Trung Quốc ở mức từ 9,05% - 23,71%, Thái Lan từ 17,30% - 20,35% và Malaysia từ 18,87% - 23,42%.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong vụ việc này với 7 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 193,467 tấn năm 2020 và năm 2021 có 6 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 952 tấn.

Trên cơ sở nội dung hồ sơ đề nghị rà soát đã tiếp nhận, ngày 24/9/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2201/QĐ-BCT về việc rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với màng nhựa BOPP được phân loại theo các mã HS: 3920.20.10 và 3920.20.91 có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia (mã vụ việc AR01.AD07).

Theo đó, Cơ quan điều tra trong vụ việc là Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét đánh giá các nội dung, bao gồm rà soát mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với: Nhóm công ty Kunlene gồm Công ty Suzhou Kunlene Film Industries Co., Ltd. và Công ty Yunnan Kunlene Film Industries Co., Ltd.; Nhóm công ty Kinwin gồm Công ty Kinwin Plastic Industrial Co., Ltd.; Công ty Zhejiang Kinlead Innovative Materials Co., Ltd. và Công ty thương mại Ultra Fast Development Limited.

Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại còn có nhiệm vụ rà soát điều chỉnh hoặc không điều chỉnh phạm vi hàng hóa áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Do vậy, để đảm bảo lợi ích cho các tổ chức, cá nhân, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các tổ chức, cá nhân đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc rà soát để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình tiến hành rà soát, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung rà soát. Đồng thời, doanh nghiệp cần hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra rà soát.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang