Việt Nam là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài

author 16:06 08/09/2023

(VietQ.vn) - Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài nhờ nền kinh tế kiên cường trong và sau đại dịch COVID-19, một lực lượng lao động lành nghề chăm chỉ và mức lương cạnh tranh. Đây vốn là những ưu thế thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Kết nối Toàn cầu: Kết nối Đông Nam Á và thế giới. Nghiên cứu của HSBC được triển khai khảo sát với các doanh nghiệp quốc tế tại 9 thị trường lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Australia, Hong Kong (Trung Quốc) và các nước vùng Vịnh (GCC).

Báo cáo nêu rõ, Đông Nam Á với nền dân số đang gia tăng, trẻ trung và có kết nối số, đang nổi lên như một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh tăng trưởng hạ nhiệt ở nhiều nơi, ASEAN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 4,6% trong năm 2023.

Doanh nghiệp quốc tế đến từ 9 nền kinh tế lớn trên thế giới đang ngày càng lạc quan về triển vọng tăng trưởng ở ASEAN. Họ kỳ vọng hoạt động kinh doanh trong khu vực tăng trưởng 23,2% trong vòng 12 tháng tới, cao hơn so với mức 20,1% trong khảo sát năm ngoái, tương đương 4-5 lần tốc độ tăng trưởng GDP kỳ vọng ở ASEAN. Điều đó càng khẳng định niềm tin vào khu vực này của phần lớn các công ty quốc tế đang gia tăng.

 Việt Nam là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa.

Tại báo cáo, HSBC cũng dành một phần để nói về Việt Nam - nơi được đánh giá là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài nhờ nền kinh tế kiên cường trong và sau đại dịch COVID-19, một lực lượng lao động lành nghề chăm chỉ và mức lương cạnh tranh. Đây vốn là những ưu thế thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam, câu chuyện về Việt Nam không chỉ xoay quanh FDI và xuất khẩu mà còn tiếp nối với lĩnh vực tiêu dùng bởi tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh ở đây. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực tiêu dùng này.

“Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài và chúng tôi tiếp tục chứng kiến sự quan tâm lớn đối với câu chuyện của Việt Nam từ khách hàng khắp nơi trong mạng lưới HSBC", ông Tim Evans cho biết.

Theo HSBC, nền kinh tế kiên cường và mức lương cạnh tranh của Việt Nam là hai yếu tố hàng đầu trong thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Lực lượng lao động lành nghề cũng được các công ty quốc tế nhận định là một trong những đặc điểm hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò một cứ điểm sản xuất.

Một số doanh nghiệp quốc tế coi thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng của Việt Nam là cơ hội và nhấn mạnh sự thịnh vượng của người tiêu dùng đang gia tăng là một đặc điểm hấp dẫn. Những người nắm quyền quyết định trong các công ty Trung Quốc và Ấn Độ nhấn mạnh cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng tại thị trường có tầm cỡ này.

Các doanh nghiệp Ấn Độ cũng chỉ ra cơ hội phát triển và thử nghiệm sản phẩm cũng như giải pháp mới, cho rằng điều này thu hút họ đến đây mở rộng hoạt động. Khoảng 1/4 doanh nghiệp cũng nhìn thấy lợi thế của Việt Nam về nhân khẩu học và dân số trẻ.

Nền kinh tế số đang phát triển của Việt Nam cũng là một điểm mạnh thu hút doanh nghiệp đến mở rộng hoạt động. Nhiều công ty tham gia khảo sát cho biết, họ bị hấp dẫn bởi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và lĩnh vực khởi nghiệp sôi động của Việt Nam. Một số công ty tham gia khảo sát tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến tăng trưởng đáng kể trong vòng 10 năm tới nhờ những thay đổi về công nghệ.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra một số thách thức mà các doanh nghiệp quốc tế gặp phải khi hoạt động ở Việt Nam, đó là sự khác biệt văn hóa và sự phát triển của môi trường pháp lý. Có 31% công ty nước ngoài nhắc đến khó khăn về văn hóa và 30% nhắc đến thách thức trong việc thích nghi với các quy định và chính sách thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cũng công bố báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023. Cụ thể, báo cáo cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý III/2023. Việt Nam vẫn củng cố vị trí 1 trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 doanh nghiệp, cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của đất nước.

Báo cáo cũng chỉ ra các quy định không rõ ràng (53%) và thủ tục hành chính rườm rà (50%) là những rào cản pháp lý chính hạn chế hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang