Đẩy mạnh công nghệ, kinh tế số hậu Covid-19

author 14:43 17/07/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu linh hoạt và giàu tính cạnh tranh hiện nay, Việt Nam nên tiếp tục ưu tiên các sáng kiến số trong kế hoạch phát triển hậu Covid-19 với mục tiêu phát triển nền kinh tế số đạt mức dự báo 33 tỷ USD vào năm 2025.

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh, đồng thời, đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế, trong đó, công nghệ và kinh tế số đóng vai trò quan trọng.

Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi số

Ông Yam Ki Chan, Quản lý quan hệ chính phủ và chính sách công của Google Cloud nhận định, công nghệ chính là một trọng tâm của Việt Nam trong cuộc chiến quyết liệt và hiệu quả trước đại dịch Covid-19. “Việt Nam đang phát triển dựa trên nền tảng vững chắc hơn bao giờ hết. Với hơn 62 triệu người dùng trực tuyến, nền kinh tế số của Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á”, vị chuyên gia cho hay.

Ông Chan nhấn mạnh, mục tiêu chuyển đổi số trên còn được phản ánh rõ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia vào ngày 3/6/2020. Quyết định đã nêu cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số từ chuyển đổi nhận thức và phát triển hạ tầng số đến hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Google, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu linh hoạt và giàu tính cạnh tranh hiện nay, Việt Nam nên tiếp tục ưu tiên các sáng kiến số trong kế hoạch phát triển hậu Covid-19 với mục tiêu phát triển nền kinh tế số đạt mức dự báo 33 tỷ USD vào năm 2025.

 Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số hậu Covid -19.

Điện toán đám mây là “chìa khóa” cho các ngành công nghiệp chuyển đổi số

Trọng tâm đầu tiên Việt Nam nên xem xét là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cho thế kỷ 21, đặc biệt nên tăng cường áp dụng công nghệ điện toán đám mây. Không chỉ Chính phủ, các ngành công nghiệp trọng điểm mà từng doanh nghiệp nhỏ đều cần phải chuyển đổi số khẩn trương hơn và chìa khóa cho bài toán đó chính là điện toán đám mây. Bởi công nghệ điện toán đám mây sẽ mang lại khả năng truy cập sử dụng các công cụ số, năng lực điện toán số cho mọi loại hình doanh nghiệp, cho phép Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể quản lý và vận hành lượng dữ liệu khổng lồ một cách an toàn. Đồng thời, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine learning).

“Hạ tầng số mạnh mẽ, ổn định trên nền công nghệ điện toán đám mây là yếu tố quan trọng thiết yếu trong quá trình phục hồi kinh tế của bất kỳ quốc gia hiện đại nào”, vị chuyên gia nói.

Cũng theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể được hưởng lợi từ những tác động tích cực tương tự bằng cách khuyến khích các tổ chức áp dụng những dịch vụ mới nhất về điện toán đám mây công. Đồng thời, việc ứng dụng điện toán đám mây đem lại thay đổi tại Việt Nam. Bên cạnh các doanh nghiệp toàn cầu, dịch vụ và ứng dụng trên nền điện toán đám mây Việt Nam cũng phát triển đa dạng.

Thứ hai, Việt Nam nên kiến tạo môi trường chính sách và pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư và tăng trưởng công nghệ số, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt đi ra biển lớn. "Điều này đồng nghĩa với việc khuyến khích doanh nghiệp trong nước hợp tác với đối tác quốc tế và trao đổi các thông lệ thực tiễn tốt nhất về việc sử dụng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây", ông Chan nói.

“Việt Nam được cả thế giới ca ngợi vì phản ứng nhanh nhạy trước dịch bệnh Covid-19 thì hoàn toàn có cơ hội để vươn mình trở thành một Việt Nam hùng cường thông qua ứng dụng công nghệ số dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ. Xây dựng nền kinh tế số của thế kỷ 21 cho thập kỷ hậu Covid-19 sẽ mang đến nhiều cơ hội cho người dân, củng cố uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang